Một số nội dung cơ bản của Luật Đa dạng sinh học

08/01/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Luật Đa dạng sinh học vừa được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua. Luật có 8 chương, 78 điều, và có hiệu lực thi hành kề từ ngày 1.7.2009.

Theo đó, lần đầu tiên Luật Đa dạng sinh học đã quy định về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền. Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học gồm có 8 điều về: căn cứ lập, nội dung quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, của bộ, ngành; Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Căn cứ nội dung, lập, thẩm định, thông qua, điều chỉnh, công bố và thực hiện quy hoạch đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ.

Luật Đa dạng sinh học quy định bảo tồn tại chỗ là bảo tồn loài hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị trong môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng. Còn bảo tồn chuyển chỗ là bảo tồn loài hoang dã ngoài môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của chúng; bảo tồn loài cây trồng, vật nuôi đặc hữu, có giá trị ngoài môi trường sống, nơi hình thành và phát triển các đặc điểm đặc trưng của chúng; lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền trong các cơ sở khoa học và công nghệ hoặc cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen và mẫu vật di truyền. Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên gồm 22 điều về: khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn; Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan; Nội dung dự án thành lập khu bảo tồn; Lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn quốc gia; Quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia; Lập, thẩm định và quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; Sử dụng đất trong khu bảo tồn; Phân khu chức năng và ranh giới khu bảo tồn; Trách nhiệm tổ chức quản lý khu bảo tồn; Quyền, trách nhiệm của Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sinh sống và có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn; Quản lý vùng đệm khu bảo tồn và báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học; Điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; Phát triển bền vững hệ sinh thái trên vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng.

Để phát triển bền vững các loài sinh vật, Luật quy định cần điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái tự nhiên trên biển, và hệ sinh thái tự nhiên trên các vùng đất ngập nước tự nhiên, vùng núi đá vôi, vùng đất chưa sử dụng tự nhiên theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan.

Luật còn cho phép thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên; Nuôi, trồng loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và mẫu vật di truyền, sản phẩm của chúng; Cứu hộ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng; Bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng; Điều tra và lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại; Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại...

Ths. Nguyễn Huỳnh Huyện

Xem thêm »