Nghị định 24/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL: Khẳng định giá trị của văn bản thẩm định

16/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 5/3/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL. Tuy phải hơn một tháng nữa mới có hiệu lực (ngày 20/4/2009), nhưng Nghị định đã được các tổ chức pháp chế Bộ, ngành đón nhận và đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng chuẩn bị cho việc thực thi.

Không thể thiếu sự thẩm định của pháp chế

            Cùng với những điều luật của Luật Ban hành VBQPPL, một lần nữa vai trò “người giữ cửa pháp luật” của tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã được khẳng định ở NĐ. Theo đó, Điều 50 NĐ 24 quy định, khi được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân công chủ trì soạn thảo dự thảo thông tư và xây dựng tờ trình, thì đơn vị chủ trì soạn thảo bắt buộc phải có trách nhiệm mời đại diện của tổ chức pháp chế tham gia các hoạt động soạn thảo dự thảo. Sau khi quá trình soạn thảo, lấy ý kiến... đã hoàn tất, đơn vị chủ trì soạn thảo phải gửi đầy đủ hồ sơ thẩm định đến tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến dự thảo thông tư theo yêu cầu của tổ chức pháp chế, thuyết trình về dự thảo thông tư,  gửi cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp phối hợp thẩm định khi tổ chức pháp chế có yêu cầu...

Và, cũng ở NĐ này, vấn đề hiệu lực của văn bản thẩm định đã được giải quyết. Đây vốn là một vấn đề luôn làm rầu lòng các tổ chức pháp chế vì thái độ coi thường ý kiến thẩm định của các đơn vị chủ trì soạn thảo. Theo tinh thần của NĐ, việc tiếp thu, không tiếp thu ý kiến thẩm định nhất thiết phải được đơn vị chủ trì soạn thảo giải trình bằng văn bản để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cũng như tổ chức pháp chế.

Đánh giá tác động văn bản – ràng buộc trách nhiệm của cơ quan đề nghị

            Đánh giá tác động pháp luật (RIA) là một quy trình không mới ở những quốc gia có nền lập pháp tiên tiến. Quy trình này giúp cho nhà hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật tạo ra được những sản phẩm pháp luật thiết thực nhất, hữu ích nhất và có tính khả thi lâu dài nhất. Cũng với mục đích này, Luật Ban hành VBQPPL đã có những điều, khoản về việc đánh giá tác động văn bản để qua đó yêu cầu các cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm với lời đề nghị cũng như với đạo luật - đứa con tinh thần của mình sau này.

            Cụ thể hoá những quy định của Luật, NĐ 24 đã dành hẳn một Chương cho hoạt động đánh giá tác động văn bản. Theo đó, hoạt động này được chia làm 3 giai đoạn: đánh giá tác động sơ bộ văn bản (thực hiện khi các cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định); đánh giá tác động trước và trong quá trình soạn thảo văn bản; đánh giá tác động sau khi thi hành văn bản ( thực hiện sau 3 năm kể từ ngày VBQPPL có hiệu lực). Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu kết quả đánh giá tác động đơn giản cho thấy văn bản có thể làm phát sinh chi phí từ 15 tỷ đồng hàng năm trở lên cho cơ quan Nhà nước, cơ quan, tổ chức, DN, cá nhân; văn bản có thể tác động tiêu cực đáng kể tới các nhóm đối tượng trong xã hội; văn bản có thể tác động tới số lượng lớn doanh nghiệp.... thì cơ quan chủ trì xây dựng nhất thiết phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động đầy đủ trên cơ sở phân tích định tính và định lượng các tác động.

Xuân Hoa

Điều 49 Trách nhiệm của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thẩm định dự thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ

- Tổ chức thẩm định dự thảo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng của báo cáo thẩm định.

- Tổ chức nghiên cứu các nội dung liên quan đến dự thảo

- Tham gia cùng đơn vị chủ trì soạn thảo khảo sát thực tế về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo

- Yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo thuyết trình về dự thảo

- Đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến dự thảo

-  Phối  hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo trong quá trình soạn thảo thông tư

- Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân công các đơn vị khác phối hợp thẩm định hoặc tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học trong những trường hợp dự thảo có nội dung phức tạp 

Xem thêm »