Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học ở Nghệ An: Thực trạng và giải pháp

Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong trường học nên trong thời gian qua, Nghệ An luôn quan tâm chú trọng công tác này, vì vậy đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nên được một số kết quả nhất định.

Tăng cường phối hợp: Trên cơ sở Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật chung của tỉnh, hàng năm Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện nhiểu hoạt động trong phổ biến, giáo dục trong trường học. Tổ chức tập huấn các kiến thức pháp luật cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, cán bộ quản lý giáo dục. Tổ chức các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề pháp luật cho học sinh, sinh viên một số trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng và tổ chức hoạt động khảo sát lấy ý kiến của giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, học sinh, sinh viên nhằm đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các đối tượng trên để xây dựng kế hoạch, tài liệu phổ biến pháp luật cho phù hợp, thiết thực. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là tập huấn, tuyên truyền miệng, biên soạn cấp phát tài liệu, tổ chức cuộc thi, hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với cuộc họp, phối hợp với các ngành có liên quan, phát huy hiệu quả khai thác tủ sách pháp luật.

            Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh bao gồm loại văn bản sau: các quy định pháp luật về cán bộ, công chức; các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quy định pháp luật về hội nhập quốc tế; các quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ; các quy chế về đào tạo, rèn luyện học sinh, sinh viên; các bộ luật, luật liên quan tới giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh.

            Năm học 2009-2010, Sở đã tổ chức cấp phát được 800 bộ sa bàn, 3.334 cuốn tài liệu An toàn giao thông, 731 cuốn tài liệu Phòng chống ma túy.

            Đến nay đã có 206 trường miền núi, 402 trường tiểu học, 117 trường trung học cơ sở, 64 trường trung học phổ thông có tủ sách pháp luật đạt chuẩn (trường đạt chuẩn quốc gia); các trường chưa xây dựng được tủ sách pháp luật đều có ngăn sách pháp luật; tổng số sách pháp luật của toàn ngành tính đến thời điểm kết thúc năm học 2009-2010 là 32.693 cuốn. Đặc biệt, ngày 13/01/2005 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2005/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2005 đến năm 2010", để tổ chức thực hiện Đề án hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vào giảng dạy cho học sinh lớp 9 ở trường trung học cơ sở các xã biên giới và trường trung học dân tộc nội trú các huyện biên giới. Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án đã tổ chức giảng dạy cho 29 trường, 81 lớp, 98 buổi với 3.964 học sinh tham gia; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như cập nhật các kiến thức văn bản pháp luật mới cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học của 11 huyện miền núi.

            Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được quan tâm. Hiện nay toàn tỉnh có 445 trường trung học cơ sở, 91 trường trung học phổ thông, 7 trường trung cấp chuyên nghiệp. Tổng số giáo viên dạy giáo dục công dân: gần 800 giáo viên, trong đó trường trung học cơ sở gần 500 giáo viên, trung học cơ sở là 279 giáo viên (số giáo viên phải dạy chéo môn là 03 giáo viên).

            Do thời gian học tập chính khóa ngắn so với khối lượng kiến thức của chương trình môn học, song các trường đã lựa chọn nội dung và hình thức thích hợp nhằm chuyển tải kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, các buổi học ngoại khóa, tạo môi trường cởi mở, thân thiện giúp học sinh dễ dàng tiếp thu các kiến thức pháp luật, tham gia các câu lạc bộ, xây dựng, bổ sung đầu sách, khai thác tủ sách pháp luật, thông qua các bản tin, trạm tin nội bộ, hệ thống loa truyền thanh...

            Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tổ chức thi học sinh học giỏi và giáo viên dạy giỏi môn Giáo dục công dân. Năm học 2009-2010 có 13 giáo viên trung học cơ sở đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục công dân.

            Nhìn chung việc dạy và học pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học trong 10 năm qua (2000-2010) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đi vào nề nếp và đạt nhiều kết quả tốt. 100% đơn vị trường học đều xây dựng đầy đủ kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học; 100% trường học thực hiện nghiêm túc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời phổ biến các quy định pháp luật đến với giáo viên, học sinh. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật cơ bản được đào tạo đúng chuyên ngành, tâm huyết với nghề nên chất lượng giảng dạy trong các tiết học được nâng cao. Vì vậy ý thức chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật được hạn chế ở mức thấp nhất.

            Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp trong trường học vẫn còn những hạn chế và khó khăn, đó là: Kinh phí để tổ chức cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa thường xuyên, sâu sá, kịp thời; vai trò của các đoàn thể đối với việc tham gia tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên chưa cao. Nội dung bài giảng bộ môn giáo dục pháp luật ở nhà trường quá khô khan, biên soạn cứng nhắc trên cơ sở bám sát văn bản pháp quy, không truyền cảm đối với cả hai đối tượng: người dạy và người học. Mặt khác một số thầy cô giáo chưa qua đào tạo mộ Giáo dục công dân nhưng vẫn được phân công để dạy nên chất lượng tiết học không cao. Chương trình đào tạo giáo viên dạy môn GIáo dục công dân ở trường sư phạm còn chậm đổi mới dẫn đến một số ít giáo viên ra trường nhưng rất non về kiến thức, chưa đam mê, thiếu sáng tạo, thiếu năng lực sư phạm ...; Lãnh đạo một số nhà trường coi trọng các môn văn hóa, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của môn Giáo dục công dân nên phân công dạy môn Giáo dục công dân không có chuyên môn.

            Những giải pháp trong thời gian tới: Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học cần thực hiện một số giải pháp sau: (1). Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, các văn bản chỉ sạo của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học; (2). Đổi mới phương pháp dạy học trong các giờ giáo dục công dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các hình ảnh, sự việc, con người thật, liên quan đến bài dạy để tránh sự nhàm chá, khô khan cho học sinh; (3). Tổ chức cho học sinh tham quan, quan sát các vụ xử án của Tòa án liên quan đến kiến thức pháp luật hình sự, dân sự, học sinh, sinh viên; (4). Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật phải thường xuyên cập nhật thông tin pháp luật thông qua các kên thông tin như truyền thanh, truyền hình, sách, báo...; (5). Chỉ đạo các trường nên thành lập ban chỉ đạo tuyên truyền phổ biến pháp luật. Tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, tuyên truyền pháp luật bằng những hình thức hấp dẫn các em tham gia như thi đua giải quyết các tình huống pháp luật có thưởng; trình bày tiểu pháp về pháp luật; tổ chức phiên tòa giả định...Hàng năm nên mời các báo cáo viên đến trường để thuyết trình về kiến thức pháp luật cho giáo viên. Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi môn Giáo dục công dân để khuyến khích giáo viên trong công tác giảng dạy và việc học tập của học sinh.

            Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật với các nội dung phù hợp; sân chơi cuối tuần; rung chuông vàng... Lồng ghép phổ biến pháp luật thông qua các tiết chào cờ, chương trình phát thanh của trường.

            (Quế Anh, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An)

Xem thêm »