Thực hiện thí điểm hoạt động Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh

27/07/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (TPL) thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là một bước nhằm triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự (THADS).

Thời gian thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/7/2009 đến ngày 1/7/2012.

Ai được làm TPL?

TPL là người được Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo tiêu chuẩn nhất định: Là công dân Việt Nam, có bằng cử nhân luật, công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ trung cấp trở lên. Một người đã hành nghề TPL thì không được kiêm nhiệm công việc như công chứng, luật sư.

TPL hành nghề thông qua văn phòng TPL. Trưởng văn phòng TPL phải là TPL là người đại diện theo pháp luật của văn phòng. Văn phòng TPL phải có nhân viên giúp việc, trong đó bắt buộc phải có kế toán, đồng thời phải làm thủ tục mở tài khoản và đăng ký mã số thuế, phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi TPL hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

TPL làm công việc THADS

Theo Điều 3 của Nghị định, TPL được thực hiện một số công việc như: Thực hiện việc tống đạt các văn bản của Tòa án hoặc cơ quan THADS; lập vi bằng (thu thập chứng cứ, lập văn bản ghi nhận hành vi, sự kiện pháp lý...) theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự; các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Văn phòng TPL được quyền thỏa thuận để tống đạt các văn bản của Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan THADS quận, huyện tại TP; Tòa án nhân dân TP và các Tòa án quận, huyện tại TP; đồng thời có quyền thực hiện việc tống đạt các văn bản của các cơ quan này ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

TPL có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp vi phạm về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà TPL trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực, trường hợp cần thiết có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định như sau: Sau khi hết thời hạn tự nguyện đã được ấn định trong quyết định thi hành án, TPL có quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Khi đó, TPL có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng TPL phải lập kế hoạch cưỡng chế, gửi Cơ quan THADS TP. Hồ Chí Minh.

TPL được thu phí theo các quy định hiện hành. Còn đối với những loại công việc mà hiện nay Nhà nước chưa quy định về phí và một số công việc khó khăn, phức tạp, thì phí do TPL và bên yêu cầu thực hiện công việc thỏa thuận.

Được biết, mỗi năm, ngành Tòa án TP. Hồ Chí Minh phải tống đạt khoảng 840.000 văn bản, giấy tờ; ngành THADS TP phải xác minh khoảng 50.000 việc và tống đạt khoảng 600.000 văn bản, giấy tờ. Khi những việc này được chuyển cho TPL, sự quá tải của 2 ngành này sẽ giảm.

Nghị định về tổ chức và hoạt động của TPL lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện Điểm 2 của Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thực hiện Luật THADS. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành đến ngày 1/7/2012. Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009  phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP. Hồ Chí Minh”.

Theo Chinhphu.vn

Xem thêm »