Những điểm mới quan trọng theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm bảo vệ quyền con người, thể hiện tính nhân đạo trong Bộ luật hình sự năm 2015

01/11/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp

     Một trong những định hướng cơ bản sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 là tiếp tục thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng theo tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi các quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Định hướng này được thể hiện rõ trong các quy định của BLHS năm 2015 trên những khía cạnh chủ yếu sau đây:
1. BLHS thể chế hóa chủ trương của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù
Đây là hai nội dung có liên quan hữu cơ với nhau. Tính nhân đạo trong chính sách hình sự được thể hiện trước hết ở việc giảm nhẹ các hình phạt có tính hà khắc đối với người phạm tội, giảm bớt hình phạt tù đối với người phạm tội, theo đó, muốn giảm khả năng áp dụng các hình phạt tù, thì cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng hình phạt tù chủ yếu áp dụng đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đối với các tội phạm nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng thì chỉ nên áp dụng khi xét thấy nếu để người phạm tội ở ngoài xã hội sẽ còn gây hại cho xã hội; đối với những trường hợp còn lại thì xem xét áp dụng các hình phạt không phải là tước tự do.
Theo quy định của BLHS năm 2015 thì phạt tiền là hình phạt chính được áp dụng không chỉ đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999 mà cả đối với trường hợp phạm các tội nghiêm trọng. Đối với nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác thì phạt tiền là hình phạt chính có thể được áp dụng đối với người phạm tội rất nghiêm trọng (Điều 35).
Điều 36 của BLHS đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ theo hướng trong trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ với thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong một tuần. Quy định này nhằm buộc người bị kết án phải giáo dục cải tạo trong môi trường lao động thông qua những việc làm cụ thể. Tuy nhiên, Bộ luật cũng quy định biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
Đối với hình phạt tù, Bộ luật khẳng định không áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng (khoản 2 Điều 37). Tại Phần các tội phạm của Bộ luật, số lượng các khoản không quy định hình phạt tù tăng từ 06 khoản (theo BLHS năm 1999) lên 31 khoản.
2. BLHS tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được khẳng định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền sống của con người, theo đó, việc hạn chế hình phạt tử hình được thực hiện trên ba phương diện:
Thứ nhất, xác định rõ các nhóm tội phạm có thể áp dụng hình phạt tử hình, theo đó, hình phạt này chỉ áp dụng đối với một số trường hợp phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng có tính bạo lực, thể hiện sự dã man, tàn bạo, mất nhân tính, cố tình tước đoạt sinh mạng người khác một cách bất hợp pháp hoặc đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của Nhà nước, của chế độ hoặc phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Theo đó, khoản 1 Điều 40 của BLHS đã xác định rõ tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.
Thứ hai, mở rộng khả năng không áp dụng hình phạt tử hình cũng như không thi hành án tử hình đối với một số trường hợp.
Bộ luật cũng đã bổ sung thêm đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, theo đó, ngoài các đối tượng là người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như trước đây thì còn bổ sung thêm đối tượng là người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (khoản 2 Điều 40).
Về các trường hợp không thi hành án tử hình, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Bộ luật còn bổ sung thêm hai trường hợp không thi hành án tử hình. Đó là: (1) người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên; (2) người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình đối với họ. Quy định này nhằm góp phần hạn chế tử hình trên thực tế (khoản 3 Điều 40).
Thứ ba, giảm bớt số lượng các tội danh trong BLHS có quy định hình phạt tử hình.
BLHS năm 2015 đã bỏ tử hình ở 07 tội danh được quy định trong Bộ luật: (1) cướp tài sản; (2) sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; (3) tàng trữ trái phép chất ma túy; (4) chiếm đoạt chất ma túy[1]; (5) phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; (6) chống mệnh lệnh; (7) đầu hàng địch. Ngoài ra, đối với tội danh hoạt động phỉ thì Điều 83 của BLHS năm 1999 quy định tội này với mức hình phạt cao nhất là tử hình nhưng BLHS năm 2015 không còn tiếp tục quy định tội phạm này nữa.
Như vậy, BLHS năm 2015 vẫn còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18/314 tội danh được quy định trong Bộ luật (chiếm tỷ lệ 5,73%) thuộc 07/14 nhóm tội phạm, bao gồm:
- Nhóm các tội xâm pham an ninh quốc gia có 06 tội (phản bội Tổ quốc; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; bạo loạn; khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội).
- Nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có 02 tội (giết người và hiếp dâm người dưới 16 tuổi).
- Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 01 tội (sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh).
- Nhóm các tội phạm về ma túy có 03 tội (sản xuất trái phép chất ma tuý; vận chuyển trái phép chất ma tuý; mua bán trái phép chất ma tuý).
- Nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng có 01 tội (khủng bố).
- Nhóm các tội phạm tham nhũng có 02 tội (tham ô tài sản; nhận hối lộ).
- Nhóm các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh có 03 tội (phá hoại hoà bình gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh).
Như vậy, có thể thấy 18 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình nêu trên là những tội đặc biệt nghiêm trọng xâm hại đến sự tồn vong của chế độ, đến trật tự an toàn công cộng và đặc biệt là đều trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người.
So với BLHS năm 1999 thì số lượng tội danh có quy định hình phạt tử hình giảm 11 tội danh (gần 06%) và so với BLHS năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì giảm 04 tội danh (gần 03%)[2].
3. Chính sách về loại trừ trách nhiệm hình sự
BLHS năm 2015 đã bổ sung một chương riêng (chương IV) với 07 điều quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 04 trường hợp như Bộ luật hiện hành (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm pháp; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (các điều 24, 25, 26) nhằm tạo hành lanh pháp lý an toàn để khuyến khích người dân an tâm, tích cực tham gia phòng chống tội phạm; tham gia các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học có tính chất “đột phá” vì lợi ích chung.
4. BLHS đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, cụ thể là:
- Đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, BLHS đã thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo đó, các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện 29/314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỷ lệ 9,23%) thuộc 04 nhóm tội phạm: (1) các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; (2) các tội xâm phạm sở hữu; (3) các tội phạm về ma túy; (4) các tội xâm phạm an toàn công cộng[3]. Ngoài ra, các em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 04/314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỷ lệ 1,27%). Đó là các tội: giết người; cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; cướp tài sản và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, có thể thấy, trên cơ sở cân nhắc tính chất, mức độ nghiêm trọng và tính phổ biến của hành vi phạm tội do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi gây ra trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã xác định nhóm các tội danh mà các em trong độ tuổi này phải chịu trách nhiệm hình sự (kể cả trường hợp chuẩn bị phạm tội) chủ yếu tập trung vào các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và an toàn công cộng.
- Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên, BLHS quy định các em phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 21/314 tội danh được quy định trong BLHS(chiếm tỷ lệ 6,68%) thuộc 04 nhóm tội phạm (các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; các tội xâm phạm sở hữu và các tội xâm phạm an toàn công cộng)[4].
- BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự áp dụng riêng cho từng đối tượng người chưa thành niên (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi), đồng thời, bổ sung 03 biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp các em được miễn trách nhiệm hình sự. Đó là: (1) khiển trách; (2) hòa giải tại cộng đồng; (3) biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bộ luật cũng quy định rõ điều kiện áp dụng từng biện pháp cụ thể nêu trên.
- Một điểm mới đáng lưu ý trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên là BLHS quy định rõ 03 trường hợp người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích: (1) người bị kết án là người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; (2) người bị kết án là người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý; (3) người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
5. BLHS đã hoàn thiện các chế định miễn trách nhiệm hình sự, miễn, giảm hình phạt theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng các điều kiện áp dụng; mở rộng khả năng áp dụng chế định miễn, giảm hình phạt. Đặc biệt, BLHS đã bổ sung chế định tha tù trước hạn có điều kiện với những quy định hết sức chặt chẽ nhằm tạo cơ hội cho những phạm nhân tích cực cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án ở các cơ sở giam giữ được sớm trở về với gia đình và tiếp tục chứng tỏ sự cải tạo của mình trong môi trường xã hội bình thường có sự giám sát của chính quyền địa phương và xã hội. Nếu trong thời gian thử thách mà người được tha tù trước hạn cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới thì phải trở lại cơ sở giam giữ để chấp hành tiếp phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. Quy định này góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về việc giáo dục, cải tạo người phạm tội trong môi trường xã hội.
6. BLHS đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống. Điều này thể hiện rõ ở 05 điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, BLHS (khoản 2 Điều 69 và Điều 107) quy định rõ 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Đó là: (1) người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; (2) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (3) người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; (4) người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; (5) người được miễn hình phạt.
Thứ hai, BLHS (khoản 2 Điều 70) giữ nguyên thời hạn 01 năm để được xóa án tích (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo), đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn 02 năm (đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm); 03 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm) và 05 năm (đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án).
Riêng trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 03 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Thứ ba, BLHS năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999 theo hướng kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.
Thứ tư, BLHS năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, đồng thời, giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 70 của BLHS.
Thứ năm, BLHS năm 2015 cũng đã rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với quy định của BLHS năm 1999.
7. BLHS kế thừa và phát triển những quy định nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội, theo đó, Bộ luật quy định giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội là: (1) người đủ 70 tuổi trở lên; (2) phụ nữ có thai; (3) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; (4) người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; (5) cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, Bộ luật cũng có chính sách tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội xâm hại đến những đối tượng như: (1) người ở trong tình trạng không thể tự vệ được; (2) người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; (3) người bị hạn chế khả năng nhận thức; (4) người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; (5) người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên.
8. BLHS đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (Chương XIV) theo hướng tiếp tục tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, theo đó, Bộ luạt năm 2015 đã cụ thể hóa hành vi phạm tội; bổ sung thêm nhiều tình tiết tăng nặng đối với các tội danh thuộc nhóm này với những mức chế tài nghiêm khắc.
BLHS đã bổ sung 02 tội danh mới thuộc nhóm này là tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) và  tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154).
BLHS năm 2015 (các Điều 150, 151) cũng đã sửa đổi, bổ sung cơ bản quy định về tội mua bán người và tội mua bán trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em
9. BLHS đã sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân (Chương XV) theo hướng tăng cường bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên tinh thần Hiến pháp năm 2013 với những chế tài nghiêm khắc; xử lý nghiêm khác hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân; bổ sung một số quy định mới để xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đồng thời, có chính sách xử lý nghiêm khác hơn đối với các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
10. BLHS đã sửa đổi, bổ sung một số nhóm tội khác (như các tội phạm về kinh tế, môi trường, an toàn công cộng, …) nhằm góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực quyền sở hữu, lao động, kinh tế, xã hội, ví dụ như: (1) bổ sung tội cưỡng bức lao động để xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm điều cấm của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền lao động của công dân; (2) bổ sung các tội phạm mới trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm góp phần bảo vệ quyền của công dân được bảo đảm an sinh xã hội; (3) sửa đổi, bổ sung các tội gây ô nhiễm cho môi trường, hủy hoại các loài động vật, thực vật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái nhằm góp phần bảo đảm cho người dân được sống trong một môi trường sinh thái an lành; (4) sửa đổi, bổ sung các tội về hàng giả, các tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người; … nhằm góp phần bảo vệ quyền của người dân được sống trong một môi trường trong lành./.
 
 
 
[1] Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy được tách ra từ tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS năm 1999.
[2] BLHS 1999 có 29/263 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ trên 11% thuộc 09/14 nhóm tội phạm; BLHS 1999 (sửa đổi năm 2009) có 22/272 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chiếm tỷ lệ trên 8% thuộc 09/14 nhóm tội phạm.
[3] Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:
a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);
b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);
c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);
d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);
đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);
e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
[4] Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của BLHS thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm 21 tội thuộc 04 nhóm tội phạm:
- 11 tội xâm phạm ANQG: Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá trại giam); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);
- 02 tội xâm phạm TMSK: Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
- 02 tội xâm phạm sở hữu: Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);
- 06 tội xâm phạm an toàn công cộng: Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền)..
 

Xem thêm »