Đăng ký bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội: Sẽ thống nhất một hệ thống văn phòng đăng ký?

30/06/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Mặc dù có diện tích đất tự nhiên đứng thứ 62/64 tỉnh, thành nhưng Hà Nội lại đứng đầu cả nước về tỷ lệ quỹ đất sử dụng. Chỉ đến năm 2006, quỹ đất của TP đã giao cho các đối tượng sử dụng là trên 85%. Tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở Hà Nội được đánh giá là đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, với mô hình đăng ký bất động sản như hiện nay, Hà Nội đang cần một sự sắp xếp lại…

Tính đầu năm 2008, Hà Nội đã cấp được 514.420 GCN đối với đất ở, đạt tỷ lệ gần 93%, trong đó có gần 300 ngàn GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại khu vực đô thị (còn gọi là sổ hồng); 150 ngàn GCN quyền sử dụng đất ở có ghi nhận nhà ở gắn liền với đất (sổ đỏ); 55 ngàn GCN quyền sử dụng đất không ghi nội dung về nhà ở và 10 ngàn GCN theo Luật Nhà ở 2005.

Do TP đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCN cho các trường hợp đất ở tư nhân tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp kê khai phát sinh (nhà ở, đất tái định cư giải phóng mặt bằng, mua nhà ở kinh doanh các dự án..) và các trường hợp chưa đủ điều kiện nay mới bổ sung hồ sơ. Do đó, UBNDTP Hà Nội đã ban hành quyết định để giải quyết các trường hợp này, dự kiến từ nay đến năm 2010 sẽ hoàn thành cấp GCN cho khoảng 40 ngàn trường hợp.

Có nên thành lập các chi nhánh Văn phòng đăng ký?

Hiện nay hệ thống Văn phòng đăng ký đất nhà đang được tổ chức ở hai cấp: TP và quận, huyện. Mô hình văn phòng đăng ký này được thành lập theo Luật Đất đai 2003. Chính mô hình dịch vụ công này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý của nhà nước và người dân thì phần nào đã thoát khỏi cơ chế “xin- cho”. Tuy nhiên, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác là đang tồn tại quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền đăng ký bất động sản (ngành tài nguyên môi trường quản lý và đăng ký quyền sử dụng đất; ngành xây dựng quản lý và đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng; ngành nông nghiệp phát triển nông thôn quản lý, đăng ký với rừng trồng…). Các cơ quan này thành lập theo cấp hành chính (tỉnh và huyện) và thẩm quyền đăng ký được thực hiện theo loại bất động sản và chủ thể tham gia giao dịch. Nhưng bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống Văn phòng đăng ký đất nhà vừa thực hiện các hoạt động về quản lý nhà nước và thủ tục hành chính về bất động sản vừa thực hiện đăng ký (đăng ký bất động sản là một loại dịch vụ công)         

Theo ông Ngô Trọng Khang – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội thì đăng ký biến động đất đai nói chung và tại đô thị nói riêng có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể đăng ký riêng lẻ theo từng cấp (tỉnh và huyện) nhất là việc cập nhật biến động bản đồ địa chính. Ông Khang đề nghị nên thống nhất một hệ thống văn phòng đăng ký của tỉnh, thành phố. Và tuỳ theo nhu cầu thực tế mà có thể đặt các chi nhánh văn phòng tại các khu vực cần thiết. Các chi nhánh văn phòng sẽ tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ đăng ký biến động, chỉnh lý bản đồ địa chính và cập nhật hồ sơ địa chính một cách thống nhất trên một địa hạt nhất định, không nên phân chia theo địa giới hành chính (quận, huyện) như hiện nay. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Quang – trưởng phòng Đăng ký thống kê và đo đạc bản đồ , Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đề nghị Chính phủ cho phép duy trì bộ máy Văn phòng đăng ký đất nhà, trực thuộc Sở Tài nguyên – môi trường, Văn phòng có chi nhánh tại các quận, huyện.

Mở rộng quyền năng cho văn phòng đăng ký.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quang, Văn phòng đăng ký đất nhà sẽ tổ chức thiết lập hồ sơ địa chính quản lý nhà và đất ( lập sổ đăng ký quyền sở hữu nhà kết hợp hồ sơ địa chính theo quy định của Luật đất đai ở cả 3 cấp) gồm sổ  địa chính; sổ mục kê, sổ cấp GCN, sổ đăng ký biến động đất đai. Hệ thống hồ sơ địa chính kết hợp với thành quả công tác cấp GCN sẽ tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng mọi giao dịch của người dân khi mua bán tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

Cũng về vấn đề này, ông Ngô Trọng Khang lại cho rằng, Văn phòng đăng ký chỉ thực hiện đăng ký biến động đất đai sau khi đã có GCN được cơ quan có thẩm quyền cấp (tức là quyền sử dụng đất đã được xác lập), nên việc sang tên, đổi chủ, tách nhập thửa  có thể hoàn toàn giao cho Văn phòng đăng ký thực hiện. Việc thống nhất một mẫu GCN sẽ thực hiện dần từng bước thông qua hoạt động của Văn phòng đăng ký.

Hiện nay, Luật Đăng ký bất động sản đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Được biết những thay đổi về chức năng nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất và nhà cũng sẽ là một trong những nội dung đáng quan tâm nhất trong dự thảo lần này. Theo đó, các văn phòng đăng ký sẽ được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ mới, trong đó khả năng sẽ được quyền cấp c GCN thay vì UBND các cấp như hiện nay.

Thu Hằng

Năm 2004 số hồ sơ đã thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội là 15.731. Năm 2005 là 20.460 hồ sơ. Năm 2006 là 17.670 hồ sơ. Năm 2007 là 25.035 hồ sơ và hết tháng 5/2008 là 9192 hồ sơ.

Tại các Văn phòng đăng ký đất và nhà các quận, huyện, số liệu đăng ký biến động khoảng 18 đến 20 ngàn hồ sơ/năm. Tuy nhiên số lượng không đồng đều ở các đơn vị.

Xem thêm »