Sau một năm Luật Công chứng có hiệu lực: Hồ sơ nhiều, văn phòng mở chẳng bao nhiêu!

02/07/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Chiều qua (1/7), tròn 1 năm kể từ ngày Luật Công chứng có hiệu lực, ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp, Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật VN về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật này.

PV: Thưa ông, sau một năm Luật Công chứng có hiệu lực, đã có bao nhiêu công chứng viên (CCV) cho các Văn phòng công chứng được bổ nhiệm?

*. Ngoài 5 hồ sơ đang nằm trên bàn tôi đây thì tính đến ngày 1/7/2008, đã có 51 công chứng viên cho các Văn phòng công chứng (công chứng tư - PV) được bổ nhiệm. Chỉ đánh giá riêng về góc độ số lượng đã có thể thấy tiềm năng để phát triển nghề công chứng theo xu hướng xã hội hoá là rất lớn. Bởi vì từ năm 1991 cho đến nay, số lượng công chứng viên của nhà nước làm việc trong 200 Phòng công chứng của nhà nước chỉ có khoảng 400 người, thế mà chỉ trong vòng chưa đến một năm sau khi Luật Công chứng có hiệu lực thì số lượng Công chứng viên để thành lập các Văn phòng công chứng đã được 51 người. Về góc độ chất lượng, có thể thấy 51 người được bổ nhiệm CCV đều là những người rất có kinh nghiệm, nhiều người đã từng là luật sư, là Thẩm phán. Nếu như trong số khoảng 400 CCV của nhà nước được bổ nhiệm từ trước đến nay, chưa có một ai có học vị tiến sỹ luật, thậm chí chiếm khoảng một nửa là những cử nhân luật tại chức thì trong 51 CCV cho các Văn phòng công chứng vừa được bổ nhiệm vừa rồi, có người từng là tiến sỹ Luật học ở nước ngoài về, nguyên là hàm Thứ trưởng, Trưởng ban  Biên giới của Chính phủ như ông Trần Công Trục. Có người như ông Trần Quốc Phòng ở thành phố Hồ Chí Minh là sinh viên Luật khoá I, đã hành nghề Luật sư hơn 10 năm nay. Nếu như thời gian qua các địa phương làm tốt việc cho các CCV mở Văn phòng công chứng thì số lượng CCV được bổ nhiệm, theo nhận định của tôi, còn lớn hơn nhiều.

PV: Đã có 51 CCV được bổ nhiệm nhưng cả năm trời mới chỉ có 2 Văn phòng công chứng, một tại Cần Thơ và một tại Bà Rịa – Vũng Tàu được phép đi vào hoạt động. Tại sao lại có sự ách tắc này, thưa ông?

*. Đến giờ phút này vẫn chưa thấy các địa phương, chủ yếu là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh báo cáo nguyên nhân vì sao chậm trễ cho các CCV mở Văn phòng công chứng. Nhưng qua dư luận và phản ánh của các CCV được bổ nhiệm, tôi thấy có hai lý do. Trước khi có Nghị định 02 quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng thì các Sở Tư pháp lấy lý do là chưa có Nghị định hướng dẫn Luật, mặc dầu trước đó Bộ Tư pháp đã chỉ đạo rất rõ: không chờ Nghị định hướng dẫn, bởi Luật Công chứng quy định rất rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ để xin thành lập Văn phòng công chứng. Điều lạ lùng là các Sở Tư pháp chỉ trả lời đương sự như thế mà không hề báo cáo lên Bộ. Nếu đó là lý do chính đáng và là vướng mắc thực sự thì chắc chắn địa phương phải báo cáo về Bộ, nhưng ở đây không hề có Sở Tư pháp nào báo cáo việc này. Sau đó, khi có Nghị định 02 quy định chi tiết một số điều của Luật Công chứng thì các địa phương lại nại ra lý do là chưa làm xong cái gọi là “Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương”. Họ trả lời các CCV được bổ nhiệm rằng cứ chờ họ làm xong Đề án và chờ Đề án được phê duyệt đã. Chúng tôi đã liên tục chỉ đạo các địa phương, nói rằng lĩnh vực công chứng hiện nay đang thiếu người trầm trọng, đang quá tải, các địa phương không cần phải chờ Đề án xong mới tiếp nhận các hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng. Nói nôm na thì lĩnh vực công chứng hiện nay như vùng đất hoang còn thiếu người khai phá, giờ có được người nào tốt người đó, có được Văn phòng nào tốt văn phòng đó, việc anh lập Đề án thì vẫn cứ lập, nhưng anh không thể nói là muốn mở Văn phòng công chứng là phải chờ Đề án được. Đó là cái vô lý. Trong Luật Công chứng và trong Nghị định hướng dẫn Luật không hề nói đến chuyện phải có Đề án phát triển hành nghề công chứng xong mới tiếp nhận hồ sơ mở Văn phòng công chứng. Mà tôi cũng xin nói luôn: Đề án nói là “Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng”, chứ không phải là Đề án để “hạn chế phát triển tổ chức hành nghề công chứng”. Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là phải thực hiện các biện pháp để phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương.

PV: Phải chăng các Sở Tư pháp cố tình trì hoãn, cản trở quá trình thành lập các Văn phòng công chứng là vì họ sợ các Phòng công chứng của nhà nước sẽ thiếu việc làm nếu bị các Văn phòng công chứng của tư nhân cạnh tranh?

*. Thiếu việc làm không phải là lý do vì công chứng tại các thành phố lớn hiện nay đang quá tải, không đủ người để làm. Các hồ sơ xin lập Văn phòng công chứng chủ yếu cũng tại các thành phố lớn, đang quá tải về công chứng như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nên lý do sợ thiếu việc làm không thể biện minh cho hành động này.

PV: Liệu tình trạng này kéo dài thì Bộ Tư pháp có biện pháp gì để can thiệp hoặc chấn chỉnh không, thưa ông,  vì theo Luật thì Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công chứng?

*. Chúng tôi đang theo dõi sát sao, tìm hướng giải quyết và tinh thần là Bộ Tư pháp sẽ cùng các địa phương tháo gỡ vướng mắc để hoạt động công chứng có điều kiện phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

La Thành (thực hiện)

Xem thêm »