Quy định mới về tiêu chuẩn; nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS (Phần VI)

15/10/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Theo quy định của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh là Cục trưởng Cục THADS tỉnh, Thủ trưởng cơ quan THADS huyện là Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện; Phó thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh là Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, Phó thủ trưởng cơ quan THADS huyện là Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện. Tiêu chuẩn; nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan THADS được quy định như sau:

1. Tiêu chuẩn Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật THADS năm 2008 thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS phải là Chấp hành viên, do đó để được bổ nhiệm giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS thì trước hết phải đáp ứng các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm Chấp hành viên[1] theo quy định. Ngoài ra, Điều 31 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã quy định về tiêu chuẩn Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS như sau:

Một là, đối với Chi Cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện phải có các tiêu chuẩn sau đây:

- Là Chấp hành viên sơ cấp trở lên;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Có kinh nghiệm thực tiễn về THADS;

- Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chi cục THADS[2].

Hai là, đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh phải có các tiêu chuẩn sau đây:

- Là Chấp hành viên trung cấp trở lên;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Có kinh nghiệm thực tiễn về THADS;

- Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục THADS tỉnh[3].

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật THADS năm 2008 thì Thủ trưởng cơ quan THADS có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;

- Quản lý, chỉ đạo hoạt động THADS của cơ quan THADS;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;

- Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;

- Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;

- Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên[4];

- Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;

- Thủ trưởng cơ quan THADS cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan THADS cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp.  

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 6, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì Cục trưởng Cục THADS tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục THADS tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục THADS tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục THADS huyện.

Khoản 2 Điều 23 Luật THADS năm 2008 đã quy định Phó thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao. Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục THADS tỉnh và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

3. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật THADS thì Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS được bổ nhiệm có thời hạn. Thời hạn cụ thể về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện theo quy định của pháp luật. Tổng cục THADS có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục THADS có nhiệm vụ, quyền hạn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức đối với một số chức vụ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS được thực hiện theo quy định của Điều 32 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Một là, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS địa phương thực hiện theo quy định của Luật THADS, quy định của pháp luật hiện hành về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo và các quy định sau đây:

- Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ cấp tỉnh thực hiện quy trình, hoàn tất hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Cục trưởng Cục THADS tỉnh;

- Cục trưởng Cục THADS tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về quản lý cán bộ cấp tỉnh thực hiện quy trình, hoàn tất hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh;

- Thẩm quyền bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Hai là, hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS địa phương gồm có:

- Sơ yếu lý lịch (theo mẫu của Bộ Nội vụ);

- Bản tự kiểm điểm (theo mẫu của Bộ Tư pháp);

- Bản kê khai tài sản, thu nhập;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

- Biên bản và kết quả lấy phiếu tín nhiệm của công chức;

- Ý kiến bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc của cơ quan có thẩm quyền cùng cấp;

- Giấy khám sức khoẻ do bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên cấp (còn trong thời hạn 6 tháng);

- Bản nhận xét đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của Thủ trưởng đơn vị đối với người được đề nghị bổ nhiệm chức vụ;

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS địa phương đối với trường hợp đề nghị bổ nhiệm Phó thủ trưởng cơ quan THADS địa phương;

- Tờ trình của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS đối với việc đề nghị bổ nhiệm Cục trưởng Cục THADS tỉnh; Tờ trình của Cục trưởng Cục THADS tỉnh đối với việc đề nghị bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện; Tờ trình của Chi cục trưởng đối với việc đề nghị bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện;

- Tài liệu khác liên quan (nếu có).

Ba là, hồ sơ cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện theo quy định về kỷ luật cán bộ, công chức[5].

Bốn là, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở cấp tỉnh trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chính sách đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS tỉnh.

Cục trưởng Cục THADS tỉnh giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở cấp huyện trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và chính sách đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS huyện.

So với Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc quy định hình thức từ chức đối với Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP là một trong những điểm mới phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010. Theo đó, khái niệm từ chức được hiểu đó là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Theo quy định tại Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

- Không đủ sức khỏe;

- Không đủ năng lực, uy tín;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ;

- Vì lý do khác.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc từ chức hoặc miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. (Còn nữa).

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Thi hành án dân sự


[1] Xem Phần III. Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự.

[2] Xem Điều 16 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.

[3] Điều 14 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

[4] Xem Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên.

[5] Xem  Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

________________________________

Bài viết có liên quan:

Giới thiệu những quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (Phần I)

Quy định mới về trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự (Phần II)

Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần III)

Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần IV)

Quy định mới về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên THADS và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm tra viên THADS (Phần V)

Xem thêm »