Từ ngày 01/01/2010, lương tháng tối thiểu của lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước sẽ được tăng thêm từ 80.000 đến 180.000 đồng so với hiện nay, tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng thêm từ 80.000 đến 140.000 đồng
Đó là một trong những nội dung cơ bản của Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam (gọi chung là doanh nghiệp trong nước) và Nghị định 98/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, lương tháng tối thiểu của lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước tương ứng với 4 vùng lần lượt là: 980.000 đồng (tăng 180.000 đồng so với hiện nay); 880.000 đồng (tăng 140.000); 810.000 đồng (tăng 120.000) và 730.000 đồng (tăng 80.000).
Lương tháng tối thiểu của lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI tương ứng với 4 vùng lần lượt là: 1.340.000 đồng (tăng 140.000 đồng so với hiện nay); 1.190.000 đồng (tăng 110.000); 1.040.000 (tăng 90.000) và 1.000.000 (tăng 80.000).
Mức lương tối thiểu vùng được dùng làm căn cứ tính các mức lương trong thang lương, bảng lương, các loại phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền.
Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài..., mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nghị định nêu rõ, đối với công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước bảo đảm các điều kiện: Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; mức tăng tiền lương bình quân thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân; lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,34 lần so với mức lương tối thiểu chung. Trường hợp bảo đảm các điều kiện trên và có lợi nhuận kế hoạch cao hơn từ 5% trở lên so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa không quá 2 lần so với mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 6/4/2009 để tính đơn giá tiền lương.
Lương tối thiểu của lao động làm việc tại doanh nghiệp được chia thành 4 vùng, dựa trên mức tiền lương, tiền công và mức sống của mỗi vùng:
Vùng 1: Doanh nghiệp hoạt động tại các quận của Hà Nội và TP HCM.
Vùng 2: Doanh nghiệp hoạt động tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội; các huyện thuộc TP HCM; các quận, huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão của Hải Phòng; các quận, huyện thuộc Đà Nẵng; các quận thuộc thành phố Cần Thơ; thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương; thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng 3: Doanh nghiệp hoạt động tại các thành phố trực thuộc tỉnh (trừ các thành phố thuộc tỉnh nêu tại vùng 2); các huyện còn lại của thành phố Hà Nội; thị xã Từ Sơn và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh; các huyện Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang; thị xã Hưng Yên và huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên; các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Kim Môn, Gia Lộc, Bình Giang, Tứ Kỳ thuộc Hải Dương; thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; các huyện còn lại của Hải Phòng; các thị xã Uông Bí, Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Điện Bàn, Đại Lộc thuộc tỉnh Quảng Nam; thị xã Bảo Lộc thuộc Lâm Đồng; thị xã Cam Ranh thuộc Khánh Hòa; huyện Trảng Bàng thuộc Tây Ninh; các huyện còn lại của Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Cần Thơ; thị xã Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An; các huyện còn lại thuộc thành phố Cần Thơ; các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng 4: Gồm doanh nghiệp đóng trên các địa bàn còn lại.
Minh Đức