Khai mạc phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự

07/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Hôm qua (6/10), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 13. Trong ngày đầu làm việc, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung nghe và cho ý kiến đối với các báo cáo công tác năm 2008 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2008.

Tăng tỷ lệ thi hành xong về việc và tiền

Trong 4 báo cáo trình bày tại phiên họp, Báo cáo của Chính phủ về công tác THA nhận được sự đồng tình cơ bản của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong năm 2008, công tác thi hành án, trong đó có THADS  đạt được nhiều kết quả tích cực.  Riêng trong lĩnh vực THADS, tỷ lệ THA xong về việc và tiền tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 1/10/2007 đến 31/8/2008, tổng số việc phải thi hành là 622.610 việc, tăng gần 16 nghìn việc so với cùng kỳ năm 2007. Trong số việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong gần 290 nghìn việc, đạt 70,96%, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước.  Tổng số tiền đã thu được gần 3.569 tỷ đồng, đạt 45,66% số tiền có điều kiện thu, tăng 16,11% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương đạt tỷ lệ thi hành xong khá cao về việc như Bắc Cạn 93%, Thái Nguyên 88%, Bến Tre 87%, Hà Giang 87%..... Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, trong năm nay, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự được đẩy nhanh tiến độ, tăng cường đối thoại, chú trọng kỹ năng công tác dân vận, giải quyết dứt điểm hoặc một bước cơ bản nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng kéo dài. Bộ Tư pháp đã tiến hành phân loại, lập danh sách các vụ việc khiếu nại bức xúc, tồn đọng kéo dài thuộc thẩm quyền để có kế hoạch giải quyết, chú trọng về tiến độ, thời hạn, chất lượng giải quyết, tăng cường đối thoại, kỹ năng công tác dân vận kết hợp với xác minh thực tế, công khai kết quả giải quyết khiếu nại và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án, vì thế hạn chế phát sinh các trường hợp khiếu nại vượt cấp. Bên cạnh đó, việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được thực hiện có kết quả, quan tâm  hơn chế độ chính sách đối với cán bộ thi hành án. Các mặt công tác khác như xây dựng cơ sở vật chất, công tác hoàn thiện thể chế cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập và phân tích nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, tồn tại trong công tác THADS như số lượng việc THA tồn đọng chưa thi hành được vẫn còn lớn. Kết quả THA chưa đạt chỉ tiêu đề ra (thiếu 4,04% về việc và 9,34% về tiền so với chỉ tiêu phấn đấu 75% về việc, 55% về tiền), chưa khắc phục triệt để tình trạng cơ quan THA không có Thủ trưởng hoặc chỉ có 1 chấp hành viên, cơ sở vật chất của cơ quan THA còn nhiều bất cập…

Năm 2009, nếu được Quốc hội thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết thi hành Luật này thì đây sẽ là năm đầu tiên thực hiện các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao trong lĩnh vực THADS” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường  nhấn mạnh. Bởi vậy, trong các nhiệm vụ trọng tâm xác định cho năm 2009, Chính phủ dự kiến tập trung chỉ đạo chuyển biến bước đầu cơ bản về công tác thi hành án dân sự, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong 75% về việc và 55% về tiền trên số vụ việc có điều kiện thi hành, giảm 15% việc thi hành án tồn đọng. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai tổ chức thi hành có hiệu quả Luật THADS và Nghị quyết về thi hành Luật THADS ngay sau khi Luật này có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng Đề án Thừa phát lại, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và tổ chức thực hiện thí điểm tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. 

Vì sao tội phạm tăng: chưa được nhìn nhận một cách toàn diện

Thảo luận về các báo được trình bày tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 6/10, các đại biểu đồng tình với nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật càng ngày càng diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tội phạm có tổ chức, chống người thi hành công vụ, tội phạm ma túy, tội phạm môi trường, người nước ngoài phạm tội… ngày càng gia tăng về tính chất cũng như quy mô phạm tội. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp vẫn cho rằng, các báo cáo còn chưa nêu được một cách toàn diện tình hình phạm tội trên phạm vi cả nước cũng như công tác ngăn ngừa phòng chống tội phạm, chưa đánh giá được bản chất của hiện tượng vì sao loại tội phạm này tăng, loại tội phạm kia giảm. Trong năm 2008, mặc dù các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan sai; tỷ lệ người phạm tội ngoài xã hội còn cao,  chưa có hướng cụ thể trong việc dự báo tình hình tội phạm nên chưa nêu được các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu. “Các báo cáo chưa phản ánh đúng tình hình tội phạm trong thực tế” – Bà Lê Thị Thu Ba góp ý. Bà Lê Thị Thu Ba cũng đề nghị các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án làm rõ “Tại sao trong năm 2008, số người bị oan còn nhiều nhưng số người được bồi thường lại ít?”,  “Ngành Tòa án cần đánh giá lại xem có hay không tình trạng bỏ lọt tội phạm”.  

Cùng chung quan điểm của Ủy ban Tư pháp, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhận định: “Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật hiện nay rất nghiêm trọng. Phát hiện được nhiều thì ta bảo tăng, phát hiện ít thì ta bảo giảm, chứ tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật thực tế ngoài xã hội rất phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng… Tôi đề nghị phải có đánh giá một cách toàn diện tính chất, tác hại của tội phạm và vi phạm pháp luật, trong đó có ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế”. Ông Trần Thế Vượng cũng cho rằng, Chính phủ cần chú trọng tới công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, vì “hiện nay chúng ta mới nặng về chống thôi, chưa coi trọng công tác phòng ngừa nên khi tội phạm xảy ra thì xử lý bị quá tải”. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội thì cho rằng, nếu nhấn mạnh tới công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật thì phải đề cập tới vai trò và trách nhiệm của cả cộng đồng và xã hội, chứ riêng các cơ quan chịu trách nhiệm chính như Công an, Kiểm sát, Tòa án không gánh nổi. Bởi vậy, ông Ksor Phước đề nghị phải quán triệt tới mọi tầng lớp nhân dân, tất cả các cơ quan hữu quan về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị  các cơ quan hữu quan phải có đánh giá về vai trò, vị trí của luật sư trong quá trình tố tụng vì các báo cáo của cả Công an, Kiểm sát, Tòa án đều không thấy đề cập đến vấn đề này trong khi luật sư là một lực lượng tham gia vào quá trình tố tụng và góp phần không nhỏ vào việc hạn chế oan, sai.

Ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội thì phát hiện ra rằng các báo cáo chưa đánh giá về mức độ thiệt hại lòng tin của nhân dân đối với nhà nước khi các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, để tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cơ quan Tư pháp phải phân tích rõ diễn biến tội phạm trong thời gian tới, loại tội phạm nào sẽ tăng, loại tội phạm nào sẽ giảm, biện pháp phòng, chống đối với từng loại tội phạm và hướng giải quyết cụ thể.

Hôm nay (7/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008.

Hồng Thúy 

Xem thêm »