Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Trung ương và địa phương đều lúng túng

08/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

“Trong năm 2008, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có lắng dịu hơn, số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo có giảm so với năm 2007” - Ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tại phiên làm việc ngày 7/10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008.

“Lắng dịu” không có nghĩa là sẽ giảm

           Theo báo cáo của Trụ sở Tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại Hà Nội, năm nay, có 26 tỉnh, thành phố không có đoàn đông người và 23 tỉnh, thành phố có dưới 4 lượt đoàn đông người. Còn theo báo cáo của Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các vụ khiếu nại đông người đều phát sinh từ những năm trước, đã được giải quyết nhiều lần nhưng chưa dứt điểm. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến đất đai như khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, khiếu nại đòi lại đất cũ trước đây đưa vào tập đoàn sản xuất, nông lâm trường v.v… Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách….Mặc dù nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2008 có “lắng dịu” nhưng cả Thanh tra Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC đều không dám tự tin khẳng định trong thời gian tới khiếu nại, tố cáo sẽ giảm. Ông Lê Tiến Hào cho biết, tỷ lệ công dân gửi đơn vượt cấp lên Trung ương khá cao, ở một số địa bàn và trong một số thời điểm tình hình khiếu nại tố cáo vẫn còn có những phức tạp.

             Tại Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2008, Chính phủ cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp như hiện nay, trong đó nguyên nhân hàng đầu là một số chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Giá đất nhà nước quy định còn thấp hơn so với giá đất thị trường. Cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ, giải quyết việc làm khi Nhà nước thu hồi đất chưa đảm bảo được cuộc sống ổn định của người dân. Do chính sách về bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi thường xuyên thay đổi theo hướng có lợi cho người dân nên khi giải quyết được quyền lợi cho những người thu hồi đất mới thì những người có đất bị thu hồi trước đây có sự so bì, khiếu nại đòi bồi thường, đòi lại đất trước đây Nhà nước đã thu hồi. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân quan trọng khác như công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, thực hiện các dự án, dẫn đến phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực này. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong một thời gian dài bị buông lỏng, nhiều vi phạm trong lĩnh vực đất đai không được xử lý nghiêm minh, kịp thời; việc đo đạc, cắm mốc giới, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm và có nhiều sai sót. Tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong công tác diễn ra ở nhiều nơi; việc thanh tra, phát hiện và xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa kịp thời, chưa nghiêm; việc khắc phục các khuyết điểm còn chậm. Ông Lê Tiến Hào quả quyết: “Tôi xin nói một câu là hiện nay cả Trung ương và địa phương đều rất lúng túng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Trung ương: chỉ ký chuyển đơn đã phát mệt

            Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhận định, có 80 – 90% khiếu nại của công dân liên quan đến vấn đề đất đai, chứng tỏ nguyên nhân sâu xa là do Luật Đất đai, nhưng cũng liên quan đến các luật khác như quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo ông Vượng, cơ chế giải quyết khiếu nại hiện nay còn phức tạp, cả về thẩm quyền giải quyết cũng như trình tự, thủ tục giải quyết: “Ở nước ta hiện nay không có ai chuyên trách làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cả. Quy định Thủ trưởng cơ quan Nhà nước phải trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, thử hỏi những người đó có bao nhiêu việc cần làm, có phải nhiệm vụ chính của họ là giải quyết khiếu nại, tố cáo đâu. Thành ra, từ người giải quyết đến người tham mưu giúp việc đều kiêm nhiệm hết”. Cũng theo ông Trần Thế Vượng, ở các cơ quan Trung ương hiện nay có tình trạng chỉ cần ký chuyển đơn thư vượt cấp đã vô cùng tốn thời gian và mệt mỏi. Do vậy, trong thời gian này, rất cần thiết phải có cơ quan tài phán hành chính để chính danh đứng ra giải quyết vấn đề này. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội góp thêm: “Thực sự hiện nay cấp Trung ương chủ yếu làm cái việc chuyển đơn thôi, địa phương vẫn phải là người giải quyết chính. Cho nên, quan trọng nhất vẫn là hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở”. Nhưng lại nói về hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, ông Hiển cho rằng, bộ máy công quyền của ta làm chưa hết chức trách, nhiệm vụ, cho nên tình hình khiếu nại tố cáo chưa dứt điểm được. Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, khuyết điểm, yếu kém trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không phải do nhiều hay ít người đi tố cáo, mà là do cơ chế, chính sách, pháp luật không đồng bộ, do cung cách giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đem lại hiệu quả.

           Kết luận phiên thảo luận ngày 7/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các báo cáo Chính phủ, Tòa án NDTC, Viện KSNDTC cũng như các báo cáo thẩm tra đã phản ánh cơ bản tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2008. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tới đây các cơ quan hữu quan và Quốc hội cần phải tập trung phân tích xem nguyên nhân nào là chính yếu làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp như hiện nay. Chẳng hạn, các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân hàng là do cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, vậy cần phải làm rõ cơ chế cụ thể nào, điều luật nào không phù hợp, tới đây cần sửa đổi quy định gì để hệ thống pháp luật tiến tới đồng bộ và hạn chế được khiếu nại, tố cáo của công dân. “Nhưng theo tôi, có một nguyên nhân quan trọng là khâu tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật chưa được làm tốt, bởi vì, nếu cán bộ làm đúng, làm tốt, nghiêm minh các quy định của pháp luật thì tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ giảm” – Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

          Hôm nay (8/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hồng Thúy 

Năm 2009:

Dự kiến thông qua 23 Luật và cho ý kiến 22 dự án Luật

Cuối buổi chiều qua (7/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009.

Theo dự kiến, tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2009, Quốc hội sẽ thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến đối với 9 dự án Luật khác. Tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm, Quốc hội sẽ thông qua 12 dự án Luật và cho ý đối với 13 dự án Luật. Bên cạnh đó, trong Chương trình chính thức xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009 còn có tên 3 dự án pháp lệnh gồm Pháp lệnh về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và các dự án Pháp lệnh thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 chưa được thông qua.  Ngoài 23 dự án Luật dự kiến thông qua và 22 dự án Luật cho ý kiến trong chương trình chính thức, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đưa danh sách 17 dự án Luật vào chương trình chuẩn bị.

 

 

 

 

 

Xem thêm »