Hà Nội ban hành Kế hoạch đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

31/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Để đảm bảo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào thực chất và lượng hóa kết quả đầu ra, lấy thước đo hiệu quả triển khai các hoạt động phổ biến để đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 30/12/2024 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trên cơ sở Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng đối với: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có đại diện là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc thành phố thực hiện đánh giá thí điểm theo ngành dọc); UBND quận, huyện, thị xã thuộc thành phố. Nội dung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chung và hiệu quả công tác phổ biến giáo dục Luật Thủ đô năm 2024 thông qua 02 nội dung: (i) Chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; (ii) Kết quả đầu ra của các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Thủ đô năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện trong 02 năm 2025 và 2026.
Để thực hiện kế hoạch có chất lượng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ: Tổ chức khảo sát thực trạng việc đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả; tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn đàn trao đổi về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đánh giá hiệu quả; xây dựng tài liệu hướng dẫn về đánh giá thí điểm hiệu quả; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ;…Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tự đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo khung tiêu chí. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tự đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (thông tin, số liệu tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm tự đánh giá). Mốc thời gian để tính kỳ đầu đánh giá là ngày 01/01/2025. Thời điểm ấn định các thông tin, số liệu để đánh giá, chấm điểm là ngày 31 tháng 12 của năm thứ hai tính từ thời điểm đánh giá kỳ trước. Thời điểm kết thúc kỳ đánh giá lần đầu là ngày 31 tháng 12 năm 2026. Kế hoạch lưu ý việc tự đánh giá được thực hiện trên nguyên tắc: (i) Điểm tối đa được chấm đối với tiêu chí khi các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng theo tiêu chí đặt ra; (ii) Thang điểm được xác định tương ứng với từng mức độ hiệu quả thực hiện nhiệm vụ mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt được đối với từng tiêu chí. Đối với các tiêu chí tự chấm không đạt mức điểm tối đa, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện trừ điểm, nêu rõ lý do và tài liệu kiểm chứng cụ thể (nếu có).
Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tư pháp-cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố thực hiện: Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; trong trường hợp cần thiết hoặc có nội dung chưa rõ, Sở Tư pháp đề nghị đơn vị được đánh giá gửi tài liệu kiểm chứng (báo cáo, kế hoạch, công văn, thông báo, quyết định...) để xác minh độ tin cậy của kết quả tự đánh giá, chấm điểm. Đối với các tiêu chí không có tài liệu kiểm chứng, đề nghị đơn vị được đánh giá giải trình về cách đánh giá, chấm điểm; tài liệu kiểm chứng được gửi kèm theo báo cáo tự đánh giá, chấm điểm; tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá của các cơ quan, đơn vị, địa phương về Uỷ ban nhân dân thành phố, Bộ Tư pháp đảm bảo tiến độ; tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố tự đánh giá, chấm điểm trong phạm vi toàn thành phố và gửi báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp đảm bảo tiến độ; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức thực hiện công tác đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật thông tin lên phần mềm phục vụ đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tổng kết thực hiện thí điểm, tham mưu Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm về Bộ Tư pháp, đề xuất hoàn thiện thể chế, các giải pháp khác về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thành phố; Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô năm 2024 trong lĩnh vực, địa phương phụ trách với các hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả; thực hiện tự đánh giá thí điểm hiệu quả công tác Uỷ ban nhân dân hàng năm tại địa phương, đơn vị mình; gửi báo cáo đánh giá về Uỷ ban nhân dân thành phố qua Sở Tư pháp trước ngày 10/01 của năm liền kề sau năm đánh giá.
Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ tại Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị, địa phương, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »