Lào Cai triển khai có hiệu quả mô hình điểm về “Truyền thông giảm nguy cơ mua bán người trên địa bàn tỉnh”

20/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả theo quy định của Bộ Tư pháp cần đáp ứng các tiêu chí: (i) Mô hình có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức pháp luật của đối tượng tác động; (ii) Việc triển khai mô hình ảnh hưởng tích cực đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; (iii) Mô hình có tính khả thi, đã, đang được triển khai tại địa phương, cơ sở, hướng tới các đối tượng cụ thể trong thực tiễn; (iv) Mô hình có tính bền vững, có khả năng duy trì, phát triển ổn định, lâu dài; (v) Mô hình có thể được nhân rộng ở các địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng cụ thể. Căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lựa chọn mô hình “Truyền thông giảm nguy cơ mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai làm mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Mô hình “Truyền thông giảm nguy cơ mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai” được triển khi trong phạm vi Dự án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” giai đoạn 2021-2025 do Tổ chức Vòng tay Thái Bình” (Pacific Links Foundation - PALS) tài trợ thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của mô hình là nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về nạn mua bán người, tăng cường ý thức cảnh giác của người dân trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người; đồng thời giúp người dân tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết khi đi làm ăn xa và di cư an toàn. Việc triển khai mô hình đã góp phần tích cực tuyên truyền quy định pháp luật về phòng chống mua bán người, thông qua đó giảm thiểu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán khi trở về với gia đình, nơi sống.
Về đối tượng thụ hưởng, mô hình xác định 03 nhóm đối tượng thuộc phạm vi triển khai gồm: (i) Người dân sinh sống tại các xã trọng điếm về tình trạng mua bán người; (ii) Phụ nữ, trẻ em thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không hạnh phúc; (iii) Những người có ý định đi làm ăn xa, người muốn lấy chồng nước ngoài, người không có công việc ổn định, đồng bào dân tộc thiêu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên các trường vùng biên, vùng khó khăn.
Mô hình do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai thành lập và chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các trường học có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người. Địa điểm thực hiện các hoạt động truyền thông được lựa chọn tổ chức tại các khu vực tập trung đông dân cư, nơi có nhiều đối tượng dễ bị mua bán, hoạt động giao thương như tại phiên chợ và trường học tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Việc triển khai các hoạt động được tổ chức thực hiện dưới hai hình thức: (i) Các buổi truyền thông trực tiếp tại phiên chợ có đông bà con Nhân dân tham dự; (ii) Các diễn đàn, buổi ngoại khóa tổ chức tại những trường học được lựa chọn làm điểm. Phương pháp cung cấp thông tin được thực hiện thông qua những phương thức như thuyết trình, kể chuyện, cùng tham gia, phát tờ rơi, hỏi đáp trực tiếp... với người dân và học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, để bảo đảm việc truyền đạt thông tin chính xác tới từng người dân, tại mỗi hoạt động, Ban tổ chức đều bố trí phiên dịch bằng tiếng dân tộc khi có người tham dự là đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh.
Về nội dung, mô hình tập trung phổ biến các vấn đề sau: (i) Tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, hậu quả của nạn mua bán người, nạn nhân của mua bán người và cách phòng, tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm này; (ii) Các chính sách, chế độ hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về; cung cấp các thông tin chính xác về các địa chỉ hỗ trợ tin cậy như số điện thoại, địa chỉ liên hệ khi cần thiết; các kỹ năng đi làm ăn xa bảo đảm an toàn; (iii) Giới thiệu đến người dân các dân tộc tại chợ phiên những sản phẩm truyền thông, các câu chuyện về âm mưu thủ đoạn của kẻ mua bán người do Tổ chức Vòng Tay Thái Bình, Ban quản lý Dự án thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh biên soạn.
Qua quá trình tổ chức thực hiện, thông qua các hoạt động PBGDPL, người dân cũng như học sinh đã được cung cấp nhiều thông tin về các âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các kỹ năng phòng ngừa, cũng như các chính sách pháp luật về mua bán người, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về loại tội phạm này cũng như đem lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người tại cộng đông dân tộc thiểu số và trường học khu vực các xã, huyện vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu. Cụ thể, số người bị lừa bán đã có chiều hướng giảm đáng kể, người dân tích cực tham gia hoạt động tố giác tội phạm, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng được thắt chặt.
Có thể thấy, mô hình này là hoạt động ý nghĩa đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do kinh phí tổ chức được bố trí thực hiện từ nguồn vốn ODA từ Tổ chức Vòng Tay Thái Bình cung cấp nên để tiếp tục duy trì thực hiện mô hình này khi Dự án “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” kết thúc trong năm 2025, cần có thêm nguồn ngân sách nhà nước bố trí để tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình PBGDPL này ở các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người.
 
 Lưu Công Thành
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »