Một số suy nghĩ và kiến nghị nhằm tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới

29/10/2008
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

1.  Thực tiễn hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua

 Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật 

Có thể nói, thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), chúng ta đã thấy được một cách tương đối đầy đủ những hạn chế thiếu sót của hệ thống thể chế về soạn thảo, ban hành văn bản hiện hành. Từ góc nhìn của họat động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản QPPL về các vấn đề cụ thể sau:

Phải tiếp tục hoàn thiện khái niệm văn bản QPPL theo quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL. Khái niệm văn bản QPPL được quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật chưa đầy đủ, hoàn thiện. Thiếu sót này tác động trực tiếp đến việc xác định một văn bản được ban hành có phải là văn bản QPPL hay không? Thể thức của văn bản được thể hiện như thế nào cho phù hợp với nội dung được quy định trong văn bản…

Cần phải xác định rõ những vấn đề liên quan đến nguyên tắc của việc soạn thảo, ban hành văn bản QPPL như thế nào là tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi? Trong trường hợp nào thì cần phải xử lý các văn bản trái pháp luật bằng các hình thức hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, đình chỉ thi hành…

Cần phải quy định rõ hơn, đầy đủ hơn việc xác định hiệu lực của từng văn bản trong Hệ thống pháp luật .v.v..

Cần phải xác định cụ thể hơn những nguyên tắc về thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức khi ban hành các văn bản QPPL

          Có thể nói thực tiễn hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL đã tạo điều kiện để chúng ta thấy rõ những hạn chế, thiếu sót của hệ thống thể chế về ban hành văn bản QPPL.

Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản đòi hỏi tăng cường năng lực của hoạt động soạn thảo, ban hành ở các mặt như:

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế của hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản QPPL

Nâng cao trình độ, kỹ năng của các cơ quan, cá nhân tham gia trực tiếp vào các hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản.

Tạo điều kiện tốt nhất cơ chế tài chính và các điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động soạn thảo, ban hành văn bản QPPL

2. Những vấn đề đặt ra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra và xử lý văn bản QPPL trong thời gian tới

Cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL

Hiện nay, hệ thống thể chế về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL đã quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện các thể về công tác này. Những nguyên tắc kiểm tra, xử lý văn bản được quy định trong Nghị định 135 cần phải được nâng thành quy định trong Luật Ban hành văn bản QPPL. Những quy định về xử lý văn bản trái pháp luật cần phải làm rõ hơn nhất là quy trình để xử lý văn bản trái pháp luật ở cấp Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Các hình thức xử lý văn bản QPPL cần phải quy định cụ thể hơn, nhất là giữa hai hình thức xử lý hủy bỏ và bãi bỏ, khi nào thì áp dụng hình thức hủy bỏ, khi nào thì áp dụng hình  thức bãi bỏ. Khái niệm văn bản QPPL phải chỉ ra được những điểm đặc trưng so với những văn bản không phải là văn bản QPPL. Ban hành các văn bản quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra văn bản đối với văn bản QPPL thông thường và  văn bản QPPL chứa bí mật nhà nước.

Ở các cấp, ngành và địa phương cũng cần hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra văn bản như hoàn thiện thể chế về cộng tác viên kiểm tra văn bản; quy chế tự kiểm tra văn bản của bộ, ngành, địa phương và một số văn bản liên quan.

Cần phải tiếp tục kiện toàn về tổ chức, biên chế thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL

Chúng ta đã có một hệ thống tổ chức tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thực hiện các hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL. Các tổ chức pháp chế cấp Bộ, pháp chế Sở, cơ quan tư pháp các cấp đã có một số lượng nhất định các chuyên viên thực hiện các hoạt động nêu trên. Vấn đề hiện nay là phải có những biện pháp thích hợp để củng cố các tổ chức, đơn vị nghiệp vụ cũng như số lượng công chức và từng bước nâng cao chất lượng, trình độ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Theo chúng tôi, trong thời gian tới, vấn đề tổ chức, biên chế cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cần được thực hiện theo hướng sau đây:

Ở Trung ương, đối với một số bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ cho phép thành lập phòng thuộc vụ thì nên thành lập Phòng kiểm tra văn bản QPPL thuộc Vụ Pháp chế, số lượng biên chế khoảng từ 4-6 người, có sự phân công rõ ràng đối với từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, phân công ít nhất là 02 biên chế chuyên trách kiểm tra văn bản (thực hiện cả nhiệm vụ công tác rà soát, chuẩn hóa hiệu lực văn bản QPPL, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…)

Ở địa phương, đối với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế và khối lượng công việc trong từng lĩnh vực công tác cụ thể để xác định số lượng và cơ cấu phòng chuyên môn nghiệp vụ cho phù hợp. Để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản, có thể cơ cấu thành Phòng Kiểm tra và xử lý văn bản độc lập hoặc thành lập Phòng xây dựng, thẩm định và kiểm tra văn bản (gọi tắt là Phòng Văn bản pháp quy). Phòng Văn bản pháp quy cần được bố trí, tổ chức thành hai nhóm thực hiện hai nhiệm vụ: xây dựng, soạn thảo, thẩm định văn bản và kiểm tra, xử lý văn bản QPPL theo thẩm quyền. Nhóm kiểm tra văn bản phải gồm ít nhất 3 chuyên viên chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo hướng chuyên môn hóa công tác này. Đối với pháp chế của cấp sở cần phải chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng, bảo đảm công chức thực hiện nhiệm vụ pháp chế cấp sở có trình độ chuyên môn và năng lực công tác, được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ về công tác kiểm tra văn bản QPPL.

Đối với Phòng Tư pháp cấp huyện, để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra văn bản theo quy định, Phòng cần phân công một lãnh đạo phụ trách và ít nhất 01 chuyên viên chuyên trách.

 Đối với Ban Tư pháp cấp xã, các địa phương cần bố trí tối thiểu 01 công chức chuyên trách công tác tư pháp - hộ tịch ở cấp xã, trong đó có công tác tự kiểm tra văn bản do HĐND, UBND cùng cấp ban hành. Những xã, phường, thị trấn có từ 10.000 dân trở lên cần xem xét bố trí 02 công chức chuyên trách đảm nhận công tác này theo đúng quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và Nghị định số 121/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

Cần tiếp tục hoàn thiện quy trình tác nghiệp, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL

Quy trình tác nghiệp nghiệp vụ trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cũng cần phải được nhanh chóng hoàn thiện làm cơ sở cho các công chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng và hiệu quả công việc. Quy định tác nghiệp này một phần được thể hiện trong hệ thống các văn bản QPPL, một phần được thể hiện trong hệ thống các quy chuẩn nghiệp vụ nội bộ. Vấn đề hiện nay là vừa phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định QPPL về quy trình nghiệp vụ, mặt khác cũng phải hết sức chú trọng việc ban hành các quy chuẩn nghiệp vụ nội bộ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành và địa phương.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo đảm về kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL

Hiện kinh phí dành cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL được quy định tại Thông tư liên tịch 158/2007/TTLT/BTC-BTP của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính. Sau một quá trình thực hiện Thông tư số 158, thực tiễn đã chỉ ra cần phải  tiếp tục hoàn thiện các quy định cụ thể về mục chi, mức chi; cần phải nâng mức chi thuộc các mục chi đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 158 do tình trạng trượt giá trong một số năm qua, đồng thời cần tính lại mức chi tại một số mục chi cụ thể bảo đảm yêu cầu của những hoạt động này.

Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến các hoạt động khác như: Việc hiện đại hóa hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản, cung cấp trang thiết bị, đẩy mạnh tin học hóa hoạt động này cũng là một yêu cầu bức xúc cần phải được quan tâm đúng mức nhằm tăng cường năng lực công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL…

Khánh Ngọc 

 

 

 

Xem thêm »