Thông tư liên tịch số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp

05/05/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 07/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Điều 6 của Quyết định này quy định: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định này”.

Vì vậy, trong thời gian qua, Liên Bộ Tư pháp - Tài chính - Nội vụ đã tiến hành xây dựng Thông tư liên tịch Tư pháp - Tài chính - Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg nêu trên nhằm bảo đảm việc tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp trên thực tế.

I. Quá trình xây dựng Thông tư liên tịch

Để bảo đảm việc xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch Tư pháp - Tài chính - Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg được khẩn trương và hiệu quả, ngày 13/7/2009, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2253/BTP-BTTP do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên ký về việc đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ cử cán bộ, công chức tham gia Tổ soạn thảo Thông tư này. Bộ Tài chính đã cử ông Ngô Hữu Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và bà Lê Thị Thu Huyền - Chuyên viên Vụ Pháp chế tham gia Tổ soạn thảo. Bộ Nội vụ đã cử Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương và bà Nguyễn Thị Lan Phương - Chuyên viên Vụ Tiền lương tham gia Tổ soạn thảo.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực xây dựng Thông tư ngay sau khi Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg được ban hành; tổ chức các cuộc họp Tổ soạn thảo và đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cũng như đại diện các Bộ, ngành có liên quan trao đổi, thảo luận và thống nhất về nội dung Dự thảo.

Sau khi Dự thảo Thông tư đã được hoàn chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp tại các cuộc họp giữa Bộ Tư pháp với đại diện các Bộ, ngành và tổ chức hữu quan, Bộ Tư pháp đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan và các địa phương (Công văn số 3406/BTP-BTTP ngày 25/9/2009).

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan và các địa phương, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị hữu quan hoàn chỉnh Thông tư liên tịch.

II. Nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch

Thông tư gồm 5 Điều, tập trung điều chỉnh những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Hướng dẫn một số khái niệm quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg

Điều này của Thông tư hướng dẫn và làm rõ một số khái niệm trong Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc áp dụng Quyết định này trên thực tế như hướng dẫn cụ thể về khái niệm người được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian thực hiện khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi quy định tại khoản 3, Điều 1 và khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg; khái niệm việc giám định phức tạp; khái niệm môi trường bị ô nhiễm quy định tại khoản 2, Điều 2 của Quyết định; khái niệm môi trường bị ô nhiễm bởi các chất nguy hiểm đến sức khoẻ quy định tại khoản 3 Điều 2 và môi trường có chất nguy hiểm khi giám định không mổ tử thi, giám định mổ tử thi quy định tại khoản 5, Điều 3; khái niệm vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm quy định tại khoản 3, Điều 2 và khoản 5, Điều 3 của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về cách tính thời gian để hưởng chế độ bồi dưỡng trong trường hợp thời gian thực hiện một việc giám định không đủ 8 tiếng để tránh những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong khi thực hiện Quyết định.

2. Thông tư cũng quy định cụ thể về nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng, việc chi trả và thanh toán, quyết toán tiền bồi dưỡng giám định tư pháp (Điều 2, Điều 3 của Thông tư).

3. Điều 4 của Thông tư quy định về tổ chức thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

4. Điều 5 của Thông tư quy định về hiệu lực thi hành, trong đó xác định rõ: ”Đối với việc giám định tư pháp đã được trưng cầu và thực hiện từ ngày 01/7/2009 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì chế độ bồi dưỡng cũng vẫn được tính theo mức quy định của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg”. Quy định này phù hợp với tinh thần của Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg, bảo đảm quyền lợi cho người thực hiện giám định tư pháp.

Ngày 04/01/2010, Thông tư đã được gửi lấy ý kiến lần cuối của hai Bộ cùng ký ban hành là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Ngày 03/02/2010, Bộ Tài chính đã có Công văn nhất trí với nội dung cơ bản của Thông tư.

Ngày 09/3/2010, Bộ Nội vụ đã có Công văn nhất trí hoàn toàn với Thông tư. Trên cơ sở tiếp thu một vài ý kiến góp ý thêm về kỹ thuật văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện Thông tư và đã có Công văn số 834/BTP-BTTP ngày 30/3/2010 để đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cùng ký ban hành Thông tư.

Theo quy trình, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã ký trước, sau đó chuyển sang Bộ Tài chính để trình Lãnh đạo Bộ Tài chính ký và cuối cùng là chuyển sang Bộ Nội vụ để trình Lãnh đạo Bộ Nội vụ ký. Đến ngày 04/5/2010, Liên Bộ Tư pháp - Tài chính - Nội vụ đã hoàn tất việc ký và ban hành Thông tư liên tịch số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV ngày 04/5/2010 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

Sau đây là toàn văn của Thông tư liên tịch số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV ngày 04/5/2010 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

Nguyễn Thị Thụy - Vụ Bổ trợ tư pháp

Xem thêm »