Gia Lai: Giải pháp xây dựng, tạo lập dữ liệu và ứng dụng tủ sách pháp luật điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai

26/03/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã chú trọng công tác xây dựng, ứng dụng và khai thác có hiệu quả các Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức nhằm truyền tải nhanh chóng, kịp thời thông tin về hoạt động chuyên môn, điều hành, hướng dẫn, chỉ đạo… của các cơ quan nhà nước. Cơ sở dữ liệu của từng ngành, lĩnh vực về cơ bản đã được tạo lập…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20/20 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 17/17 UBND cấp huyện, 222/222 UBND cấp xã đã thiết lập các Cổng/Trang thông tin điện tử và đưa vào hoạt động ổn định, cơ bản duy trì việc đăng tải tin, bài, ảnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của các sở, ngành, địa phương… đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 đã xác định: “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử...” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu. Với các giải pháp: “Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin, viễn thông trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với định dạng phù hợp, tương thích với các dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử; khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các cơ sở dữ liệu pháp luật khác theo quy định; phối hợp xây dựng, khai thác và sử dụng hiệu quả thông tin trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư pháp vận hành, quản lý”; “Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, tạp chí chuyên ngành, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử trong xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp và hiệu quả”. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2392/KH-UBND thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 đã xác định: “Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động PBGDPL, ưu tiên hình thức trực tuyến thông qua tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải đáp pháp luật qua điện thoại, mạng xã hội, Cổng thông tin của Ủy ban nhân dân tỉnh/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và địa phương…”.
Trong thời gian qua, các Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm xây dựng chuyên mục hoặc đăng tải, tích hợp liên kết, chia sẽ đường dẫn (link) đến các tài liệu chuyên đề cung cấp thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, đơn vị, cơ quan cấp trên biên soạn và phát hành. Điển hình như: Trang thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai (http://thongtintuyengiaogialai.vn/Files) đăng tải các tạp chí chuyên đề: Thông tin sinh hoạt Chi bộ, Bản tin Sinh hoạt nhân dân và các tài liệu tuyên truyền chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; Trang tin Phổ biến, giáo dục pháp luật (http://stp.gialai.gov.vn/linhvuc-tuphap/phobien-giaoduc-phapluat.aspx) trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã xây dựng chuyên mục “Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật” và thường xuyên đăng tải các tài liệu, đặc san, sổ tay, tờ gấp chuyên đề pháp luật do Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai biên soạn, biên tập và ấn hành; Chuyên mục Ebook Tủ sách pháp luật điện tử (http://vksnd.gialai.gov.vn/index.php/download/Ebook-Phap-Luat) trên Trang thông tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã đăng tải, cập nhật các tài liệu pháp luật chuyên đề pháp luật, nghiệp vụ kiểm sát…
Tuy nhiên, các tài liệu, sổ tay chỉ được đăng tải ở dạng thô, chủ yếu là đính kèm tập tin (file dạng .doc, .pdf hoặc .rar) chỉ để tải (download); định dạng của các tài liệu chưa thống nhất, chưa hiển thị trực tiếp, trực quan nên người đọc khó tiếp cận. Bên cạnh đó, bố cục của chuyên mục chưa được thiết kế, xây dựng trực quan để có thể thu hút được đọc giả; tài liệu, sổ tay đăng tải chưa được phân loại theo lĩnh vực; chưa có giải pháp tập hợp, phương án sưu tầm, đăng tải thôngcác tài liệu, sách, sổ tay, tạp chí chuyên đề pháp luật do các cơ quan của Trung ương, các đơn vị khác biên soạn, biên tập và ấn hành; chưa được tập hợp, trích nguồn, đăng tải thống nhất tại một địa chỉ (tên miền) chung để cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp cận, khai thác…
Từ thực trạng trên, trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển và ứng dụng sâu rộng các thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - thông tin, Internet, băng tần các dịch vụ 3G, 4G trên các dòng điện thoại thông minh, máy tính bảng, mạng lưới cáp viễn thông FTTH được lắp đặt sử dụng ngày càng phổ biến và rộng khắc; các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Twitter, Google+…) đã và đang thu hút rất nhiều người dùng trong cộng đồng người dân, ở mọi lúc, mọi nơi. Song song với các hình thức, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống đang được các ngành, địa phương thường hay sử dụng như: Tổ chức các Hội nghị, các Lớp tập huấn; biên soạn, in ấn và cấp phát tài liệu PBGDPL miễn phí (đặc san, sổ tay, tờ gấp, đề cương…); lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn của các ngành, cơ quan, đơn vị; phổ biến tại các cuộc họp của thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư…
Song song với việc khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, rà soát, số hóa các tài liệu chuyên đề PBGDPL đã được biên soạn, ấn hành trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua để đăng tải, tích hợp vào Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Thiết nghĩ, trong xu thế hiện nay, để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh; phát huy hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin, nội dung của các chính sách, pháp luật mới của cá nhân, cơ quan, tổ chức cần có một giải pháp tổng thể, lâu dài, thuận tiện trong ứng dụng, khai thác và sử dụng Tủ sách pháp luật điện tử dùng chung của tỉnh - nơi tập hợp, phân lập, chỉ dẫn, tích hợp các tiện ích hỗ trợ để việc khai thác được dễ dàng, miễn phí trên tất cả các thiết bị di động để có thể thu hút, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người dân tìm đọc, vận dụng vào cuộc sống, học tập, lao động, sản xuất. Tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục vận hành tốt chuyên mục “Tủ sách pháp luật điện tử” trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; thực hiện các giải pháp tích hợp dữ liệu sách, tài liệu chuyên đề PBGDPL hiện có trên chuyên mục vào Tủ sách pháp luật điện tử của tỉnh sau khi Bộ Tư pháp triển khai khai mô hình Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia
Trong thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai đã xây dựng, thường xuyên cập nhật các tài liệu chuyên đề PBGDPL vào Chuyên mục “Tủ sách điện tử” trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai tại địa chỉ: http://stp.gialai.gov.vn/linhvuc-tuphap/pb-gd-pl/TSPL-STPGL/Tusach-PL-dientu.aspx. Về cơ bản là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Sở trong công tác quản lý nhà nước, tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, số lượng đầu sách, tài liệu, đề cương chuyên đề pháp luật do Sở Tư pháp biên soạn về cơ bản đa dạng về nội dung, liên quan đến nhiều lĩnh vực, hình thức phù hợp với nhiều đối tượng và đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Xuất bản, Luật Báo chí về Giấy phép xuất bản, bản quyền và lưu chiểu.
Trong thời gian tới, để triển khai thi hành kịp thời Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; Sở Tư pháp tổ chức tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các quy định về Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, số hóa các tài liệu chuyên đề PBGDPL đã được biên soạn, ấn hành trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong thời gian qua để đăng tải, tích hợp vào Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; góp phần xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia theo quy định tại Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, giải pháp về chỉ đạo, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực cung cấp thông tin tại chổ
Để thực hiện được giải pháp, trước tiên cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp cung cấp thông tin, chia sẽ dữ liệu, file điện tử của các tài liệu, sách chuyên đề pháp luật do cơ quan, đơn vị, ngành mình biên soạn, phát hành để Sở Tư pháp tổng hợp, cập nhật vào Tủ sách pháp luật điện tử; cũng như cần có biện pháp quy định cụ thể trách nhiệm của Ban Biên tập, Quản trị viên các Trang thông tin điện tử; chỉ đạo công tác phối hợp, thời hạn cung cấp, đăng tải tài liệu, sổ tay, sách chuyên đề… đã được số hóa lên chuyên trang Tủ sách pháp luật điện tử.
Đối với Sở Tư pháp, cần phải có sự chủ động tham mưu, phối hợp của Văn Phòng Sở - đơn vị trực tiếp quản lý lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin của Sở Tư pháp - với các phòng/đơn vị liên quan trong việc xây dựng, thiết kế bố cục, cách hiển thị...; Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành kế hoạch xây dựng và tạo lập Tủ sách pháp luật điện tử, chủ động thực hiện công tác rà soát, sưu tầm, phân loại và cung cấp các file, dữ liệu của các tài liệu, sổ tay, sách chuyên đề… để cập nhật vào Tủ sách pháp luật điện tử.
Ba là, giải pháp tổ chức sưu tầm, lựa chọn, đăng tải các tài liệu, sách chuyên đề pháp luật do các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác biên soạn và ấn hành
Trên cơ sở Kế hoạch xây dựng và tạo lập Tủ sách pháp luật điện tử, Ban Biên tập Trang thông tin điện tử, công chức phục trách chủ động tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành các văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tổ chức biên tập, biên soạn và ấn hành các tài liệu, sổ tay, sách chuyên đề về pháp luật… để thống nhất việc Sở Tư pháp được sưu tầm, đăng tải các tài liệu chuyên đề pháp luật vào Tủ sách pháp luật điện tử để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật trên địa bàn tỉnh. Sau khi được sự đồng ý của các đơn vị chủ quản, Sở Tư pháp tổ chức rà soát, sưu tầm, số hóa file các tài liệu, hệ thống hóa dữ liệu, thiết lập thông tin tác giả, đơn vị biên soạn… để đăng tải, cập nhật vào Tủ sách pháp luật điện tử. Đồng thời, cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; đăng tải rõ nguồn sưu tầm, đơn vị chủ biên; các quy định của Luật công nghệ thông tin…
Bốn là, giải pháp về kinh phí và kỹ thuật phục vụ công tác xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử
Rà soát các quy định của pháp luật về kinh phí tạo lập tạo lập thông tin điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để thực hiện việc chi trả thù lao đối với tác giả, người cung cấp, sưu tầm, đăng tải các tài liệu, sách, chuyên đề pháp luật trong quá trình xây dựng, vận hành Tủ sách pháp luật điện tử.
Hàng năm, căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu, tình hình thực tế của việc ứng dụng Tủ sách pháp luật trên Trang thông tin điện tử, các đơn vị, cá nhân được giao phụ trách xây dựng dự toán kinh phí để thiết lập, sữa chữa, nâng cấp giao diện, các module, tiện ích cần thiết trong công tác ứng dụng và khai thác Tủ sách pháp luật điện tử. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính bổ sung quy định về nội dung chi, mức chi, thù lao cập nhật… trong việc tạo lập dữ liệu và đảm bảo hoạt động của Tủ sách pháp luật điện tử.
Năm là, giải pháp truyền thông, thông tin về Tủ sách pháp luật điện tử để tiếp cận thu hút đọc giả truy cập, khai thác, sử dụng sách, tài liệu trong Tủ sách pháp luật điện tử
Song song với việc xây dựng và hoàn thiện về cơ bản cơ sở dữ liệu, giao diện, các tiện ích, phải tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông, thông tin để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu việc khai thác và Tủ sách pháp luật điện tử, cụ thể:
- Cần có sự đầu tư về thời gian, nêu cao trách nhiệm trong việc thiết kế bố cục, khảo sát, tiếp thu, điều chỉnh và cập nhật định kỳ về giao diện, tính phù hợp, tiện ích… nhằm thu hút được được đọc giả. Tránh hình thức, hạn chế việc đăng tải mà không xử lý dữ liệu, bố cục, hình thức trình bày.
- Tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thiết lập baner, tích hợp đường dẫn (link) Tủ sách pháp luật điện tử trên các Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, địa phương để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết, tiếp cận và khai thác.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp, cách thức để thu hút lượt truy cập, lượt xem, tải, đọc, khai thác các đầu sách trong Tủ sách pháp luật điện tử thông qua việc: Đăng ký thông tin với các nhà cung cấp dịch vị tìm kiếm trên Internet để thông tin về Tủ sách pháp luật điện tử xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo…). Lập fanpage “Tủ sách pháp luật điện tử” trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Twitter, Google+…) để tận dụng các tiện ích xã hội mà các trang mạng xã hội mang lại trong viên truyền tải bài viết, thông tin về các đầu sách mới được cập nhật vào Tủ sách pháp luật. Qua đó, giúp thông tin được truyền tải, lang tỏa nhanh chóng, tiếp cập, thu hút nhiều đối tượng theo dõi, đọc, khai thác và sử dụng thông tin. Đảm bảo tiêu chí: Mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, tiện lợi.
Việc xây dựng “Tủ sách pháp luật điện tử” không phải là vấn đề mới, trong phạm vi bài viết tác giả khái quát lại thực trạng, tình hình, đưa ra một số quan điểm để tạo lập, triển khai thực hiện, nghiên cứu ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nếu giải pháp được sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, nhân lực, làm tốt công tác truyền thông, khai thác có hiệu quả các tiện ích sẵn có của các trang mạng xã hội trong việc kết nối với cộng đồng người dùng của các trang mạng xã hội này thì hiệu quả mang lại của Tủ sách pháp luật điện tử trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cao; mở rộng đối tượng tiếp cận; giá trị khai thác, sử dụng, tái sử dụng cao; tiết kiệm rất nhiều thời gian, kinh phí… Từ đó, khắc phục được các hạn chế của các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống (như: Cấp phát tài liệu chuyên đề pháp luật miễn phí, xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở cấp xã, ở các cơ quan, đơn vị…).
- H.Đ.Đ -

Xem thêm »