Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của dân tộc, Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 có nhiều quy định quan trọng về bảo vệ di tích.
Theo đó, việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh phải dựa trên các tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc và cảnh quan. Ngoài 03 hạng di tích này, Luật Di sản văn hóa năm 2024 còn bổ sung thêm 03 loại hình di tích hỗn hợp là di tích lịch sử; di tích kiến trúc, nghệ thuật và di tích khảo cổ.
Về quy hoạch và bảo vệ di tích, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn được yêu cầu lập quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Các hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực bảo vệ di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về khoảng cách, chiều cao, không gian bảo vệ. Quy định rõ việc bảo vệ đối với khu vực bảo vệ của di tích; nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích; khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II; việc điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; việc kiểm kê, công bố danh mục kiểm kê và bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong Danh mục được kiểm kê. Di tích phải có tổ chức quản lý, người đại diện chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; nhiệm vụ được giao quản lý di tích đối với di tích thuộc sở hữu toàn dân.
Đối với hoạt động khảo cổ, việc thăm dò, khai quật khảo cổ phải đáp ứng các điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch khảo cổ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập dự án khai quật khảo cổ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; có giấy phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành khảo cổ học; có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác khảo cổ; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức.
Một điểm mới của Luật Di sản văn hóa năm 2024 là quy định về di sản văn hóa dưới nước. Theo đó, khi phát hiện hoặc nhận được thông báo hoặc báo cáo về việc phát hiện di sản văn hóa dưới nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải kịp thời có kế hoạch, chỉ đạo và huy động lực lượng trên địa bàn bảo vệ an toàn, an ninh, trật tự khu vực có di sản văn hóa dưới nước được phát hiện; ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hoạt động làm nguy hại đến sự an toàn của di sản văn hóa dưới nước; thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ khác và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp di sản văn hóa dưới nước xác định có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để đáp ứng sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý di tích cũng được chú trọng. Theo đó, Luật quy định việc ứng dụng công nghệ số để quản lý, bảo tồn và quảng bá di tích. Việc số hóa hồ sơ di tích, xây dựng bản đồ số và triển khai các ứng dụng tương tác giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin về di tích. Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để huy động nguồn lực xã hội, áp dụng công nghệ mới trong việc bảo tồn và quảng bá di sản Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Có thể thấy, Luật Di sản văn hóa năm 2024 được đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế - xã hội tại khu vực di sản. Đồng thời, Luật góp phần định vị thương hiệu địa phương, quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật