Một số điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

20/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) số 55/2024/QH15 . Thực hiện quy định của Luật về việc giao Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung mà Luật giao , hiện Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và CNCH.

Dự thảo Nghị định được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại các Nghị định hướng dẫn Luật PCCC (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, Nghị định số 50/2024/NĐ-CP), nhất là những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm và còn giá trị. Bên cạnh đó, chỉnh lý, sửa đổi một số nội dung để phù hợp với các chính sách pháp luật mới được quy định trong Luật PCCC và CNCH như quy định về điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phân công trách nhiệm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, bổ sung những quy định để khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc triển khai thực hiện pháp luật về PCCC và CNCH. Dự thảo Nghị định cũng được xây dựng dựa trên các đánh giá tác động về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm tính khả thi trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo điều kiện nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đạt hiệu quả.
Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 08 chương 47 Điều và 07 Phụ lục.
So với quy định pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định có những điểm mới sau:
Một là, điều chỉnh các quy định liên quan đến hoạt động thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về xây dựng và các pháp luật chuyên ngành khác. Theo đó, sẽ thay hoạt động thẩm duyệt thiết kế về PCCC thành hoạt động thẩm định thiết kế về PCCC. Phân định rõ lại phạm vi, nội dung thẩm định thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC do các cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, cơ quan Công an đảm nhiệm nhằm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Hai là, điều chỉnh các quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra về PCCC, theo đó, bổ sung quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình trong hoạt động tự kiểm tra về PCCC trong phạm vi quản lý; phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời, để phục vụ công tác quản lý của các cơ quan chức năng, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về phân loại cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo nhóm nhằm có chế độ kiểm tra về PCCC cho phù hợp, tránh gây phiền hà đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, đối với cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ thì cơ quan quản lý kiểm tra định kỳ 01 năm một lần, đối với các cơ sở còn lại, ít nguy hiểm về cháy, nổ thì kiểm tra định kỳ 02 hoặc 03 năm một lần.
Lực lượng Công an tuyên truyền, hướng dẫn người dân PCCC & CNCH

Ba là, điều chỉnh các quy định liên quan đến hoạt động xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo hướng lồng ghép phương án chữa cháy với phương án cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn cụ thể nội dung và mẫu phương án để người đứng đầu cơ sở dễ thực hiện, nâng cao chất lượng trong việc xây dựng phương án và tăng cường trách nhiệm trong việc tự tổ chức thực tập. Đồng thời, bãi bỏ các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục hành chính về phê duyệt phương án của cơ sở.
Bốn là, bổ sung quy định cụ thể về đầu tư, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng trụ nước chữa cháy, điểm, bến lấy nước phục vụ PCCC nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay về hạ tầng cấp nước chữa cháy.
Năm là, điều chỉnh các quy định về tổ chức hoạt động, chế độ bảo đảm điều kiện hoạt động của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này.
Sáu là, điều chỉnh và bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết về nội dung, thời gian, thẩm quyền huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC, CNCH phù hợp với từng đối tượng tham gia vào hoạt động PCCC, CNCH tại cơ sở. Bãi bỏ các quy định hiện hành liên quan đến thủ tục hành chính về huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH của cơ sở.
Bẩy là, bổ sung quy định về cấp phép lưu thông đối với phương tiện PCCC và CNCH và vật liệu cấu kiện ngăn cháy, chống cháy. Điều chỉnh và bổ sung các quy định hiện hành liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu về PCCC, CNCH và truyền tin báo cháy; theo đó, quy định cụ thể việc đầu tư, khai thác, quản lý, vận hành, khai báo, cập nhật dữ liệu và lộ trình để tổ chức triển khai thực hiện.
Tám là, bổ sung các quy định bao quát, cụ thể hơn về chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy, CNCH để phù hợp với yêu cầu, tính chất đặc biệt nguy hiểm của hoạt động này. Bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động PCCC và CNCH và đầu tư, xây dựng lực lượng PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chín là, điều chỉnh, bổ sung một số quy định liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; trong đó điều chỉnh về mức thu từ phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, danh mục cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, bổ bắt buộc.
Mười là, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước về PCCC và CNCH để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; điều chỉnh các quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành trong phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH để phù hợp với mô hình tổ chức mới của Chính phủ. Ngoài ra, bổ sung quy định về lộ trình xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC và CNCH có hiệu lực thi hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành.
Cuối cùng, về cải cách thủ tục hành chính: so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã bãi bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh dịch vụ PCCC, cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy, nổ; phục hồi hoạt động của cơ sở; phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở; cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho cơ sở, doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra giám sát quản lý của cơ quan nhà nước, theo đúng chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC và CNCH./.
Nguyễn Giang

Xem thêm »