Dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng: Tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên

20/03/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về công chứng, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng, nhiệm vụ này được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp tại Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 về Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng gồm có 06 chương và 43 Điều, quy định cụ thể về tập sự hành nghề công chứng.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Thông tư quy định về tập sự hành nghề công chứng và quản lý tập sự hành nghề công chứng; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sự hành nghề công chứng và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Thông tư áp dụng đối với người tập sự hành nghề công chứng; người tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; công chứng viên hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng; tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; cơ quan quản lý nhà nước về công chứng và các cơ quan, tổ chức, các nhân khác có liên quan.
Về các quy định về tập sự hành nghề công chứng, dự thảo Thông tư đã bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký tập sự, không còn giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng nữa, mà chỉ còn Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng (khoản 2 Điều 3); quy định những đối tượng không được đăng ký tập sự hành nghề công chứng thống nhất với đối tượng không được bổ nhiệm công chứng viên của Luật Công chứng 2024 (khoản 5 Điều 3); quy định số lần tạm ngừng tập sự và thời gian mỗi lần tạm ngừng tập sự phù hợp với quy định về thời gian tập sự thống nhất là 12 tháng theo Luật Công chứng 2024 (khoản 3 Điều 9).
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư bổ sung trường hợp người tập sự được thay đổi nơi tập sự và được tạm ngừng tập sự nếu tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự tạm ngừng hoạt động, phù hợp với quy định mới trong Luật Công chứng 2024 (điểm a khoản 1 Điều 8, điểm b khoản 1 Điều 9). Bổ sung trường hợp chấm dứt tập sự, theo đó, nếu người tập sự thuộc diện phải chấm dứt nhưng tổ chức hành nghề công chứng không báo cáo, Sở Tư pháp có quyền kiểm tra, xác minh thông tin để xem xét, quyết định việc chấm dứt tập sự (khoản 2 Điều 10).
Việc nộp báo cáo kết quả tập sự cũng được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện cho người nộp muộn trong một số trường hợp có lý do chính đáng nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm của người tập sự. Theo đó, một trong những điều kiện để được công nhận hoàn thành tập sự là phải nộp Báo cáo kết quả tập sự và Sổ nhật ký tập sự đúng thời hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự, người tập sự phải có giải trình và chứng minh được Sở Tư pháp chấp nhận (điểm c khoản 2 Điều 12).
Về quy định kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về thẩm quyền thành lập, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm, chế độ làm việc của các Ban của Hội đồng kiểm tra và điều kiện đối với người tham gia các Ban này, gồm Ban Thư ký, Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi và Ban Phúc tra (Điều 24 đến 29). Quy định đối với việc xây dựng đề kiểm tra bao gồm yêu cầu chung đối với việc làm đề (khu vực làm đề, người tham gia xây dựng đề, mức độ bảo mật của đề) và yêu cầu về phạm vi kiến thức, số lượng câu hỏi tối thiểu, mức độ bảo mật của câu hỏi và đề kiểm tra (Điều 30).
Về hình thức kiểm tra, vẫn giữ 02 bài kiểm tra như Thông tư số 08/2023/TT-BTP nhưng thay đổi thứ tự: bài kiểm tra trắc nghiệm sẽ diễn ra trước, thí sinh đạt yêu cầu mới được làm bài kiểm tra viết, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho thí sinh, Hội đồng kiểm tra và các Ban của Hội đồng kiểm tra (Điều 16).
Về Ban Giám sát, không còn ấn định số lượng thành viên mà chỉ quy định về thẩm quyền thành lập, thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Ban. Số lượng thành viên sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo quy mô kỳ kiểm tra để bảo đảm phù hợp (Điều 23).
Về yêu cầu xin rút hồ sơ đăng ký, hoãn thi và hoàn trả phí, bổ sung quy định: người đã nộp hồ sơ đăng ký sẽ không được rút lại hồ sơ và phí, không được hoãn thi, thí sinh vắng mặt cũng không được hoàn phí. Nếu đăng ký kỳ kiểm tra tiếp theo, người đăng ký phải nộp hồ sơ và phí theo quy định. Quy định này phù hợp với pháp luật về phí, lệ phí và giúp giải quyết dứt điểm công việc của mỗi kỳ kiểm tra (Điều 17).
 
Lê Hồng Hạnh - Lê Diệu Linh

Xem thêm »