Mở rộng đối tượng là nạn nhân mua bán người được trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người

11/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 53/2024/QH15 về phòng, chống mua bán người. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Với nguyên tắc lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân làm trung tâm, Luật đã dành 01 chương quy định về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, gồm: Đối tượng được hỗ trợ, chế độ hỗ trợ; cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người.
Ngày 29/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người. Điều 21 Nghị định quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người như sau:
Về đối tượng hỗ trợ:
- Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng;
- Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng ở trong nước;
- Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam.
Về chế độ hỗ trợ:
- Được trợ giúp pháp lý đối với nội dung có liên quan đến vụ việc, vụ án mua bán người thông qua các hình thức tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng; đại diện ngoài tố tụng và các hình thức trợ giúp pháp lý khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
- Việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam được thực hiện dựa trên nhu cầu, tình trạng thực tế của đối tượng và thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Như vậy, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 và Nghị định số 162/2025/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý bao gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý liên quan đến vụ việc mua bán người cho dù họ có hay không có khó khăn về tài chính.  Khác với những biện pháp hỗ trợ khác có quy định về thời gian hỗ trợ như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu là không quá 04 tháng, hỗ trợ tâm lý là 03 tháng, hỗ trợ bảo hiểm y tế là 01 năm đầu tiên, hỗ trợ học văn hóa là 02 năm…. Việc trợ giúp pháp lý không quy định về thời gian hỗ trợ mà giới hạn phạm vi trợ giúp pháp lý chỉ liên quan đến vụ việc mua bán người (tức là không thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân về những vấn đề pháp lý khác nếu họ không thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý). Việc quy định này nhằm bảo đảm tính khả thi, nguồn lực thực hiện, tránh trường hợp nạn nhân sẽ được hỗ trợ về mọi vấn đề trong suốt cuộc đời còn lại sau khi được cấp giấy xác nhận là nạn nhân (giấy xác nhận là nạn nhân không quy định về thời hạn).
Về cơ quan thực hiện việc hỗ trợ:
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;
- Tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý. Danh sách các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý, giới thiệu nạn nhân đến trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để được tư vấn quyền lợi pháp lý, hỗ trợ làm đơn, khởi kiện, yêu cầu bồi thường và hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan. Trường hợp nạn nhân có khó khăn về ngôn ngữ, tâm lý, cần hỗ trợ dịch thuật, phiên dịch hoặc người đồng hành pháp lý.
Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý./.
                                                          Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »