Dạy và học pháp luật trong môi trường số hóa

05/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra cuộc cách mạng 4.0, điều này không tác động đến sự phát triển của nền kinh tế thế giới mà còn thay đổi đến sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử trong đời sống xã hội, nhất là thế hệ trẻ - chủ nhân đất nước trong tương lai. Thích ứng với sự phát triển đó, ngày 26/12/2018, Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mục đích chính của Chương trình giáo dục phổ thông này là thay đổi cơ bản các chương trình môn học từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực, lấy yêu cầu năng lực, kỹ năng của học sinh làm mục đích chính khi thiết kế chương trình. Đây là xu thế chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, là chuẩn chung của tất cả các nền giáo dục trên toàn thế giới.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Tin học là một trong các môn học có nhiều điểm đổi mới nổi bật. Điểm mới đầu tiên có tính tiên quyết là môn tin học sẽ là môn học bắt buộc (trước đây là môn tự chọn), có phân hóa[1] ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Bắt đầu từ năm học 2022- 2023, môn Tin học là môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 tới lớp 9. Ở cấp trung học phổ thông, Tin học là môn phân hóa theo 02 định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.
Môn Tin học sẽ giúp cho học sinh tiếp cận, định hướng phát triển mới, cập nhật tri thức Công nghệ số, xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng trong tương lai. Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tin học cung cấp cho học sinh kiến thức về học vấn số hóa phổ thông, công nghệ thông tin và truyền thông, Khoa học máy tính. Nội dung của chương trình Tin học được tổ chức thành 07 chủ đề lớn xuyên suốt trong cả 03 cấp học là: Máy tính và xã hội tri thức; Mạng máy tính và Internet; Tổ chức lưu trữ, tìm kiếm và trao đổi thông tin; Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa; Ứng dụng tin học; Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính và Hướng nghiệp với tin học.
Như vậy, một trong các nội dung cốt lõi của môn học Tin học có chủ đề về Đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số. Chủ đề này nhằm giúp học sinh có hiểu biết cơ bản về pháp luật, đạo đức và văn hoá liên quan đến sử dụng tài nguyên thông tin và giao tiếp trên mạng; bước đầu nhận biết được một số ngành nghề chính thuộc lĩnh vực tin học… Việc tích hợp nội dung về đạo đức, pháp luật, văn hoá trong môn Tin học đã thể hiện nguyên lí “vừa dạy chữ vừa dạy người” và coi trọng tính nhân văn trong thời đại có sự kết nối cao của thế giới thực và thế giới ảo[2].
Các nội dung giáo dục pháp luật phù hợp với lứa tuổi ở các cấp học như sau:
1. Ở cấp tiểu học
a) Lớp 3: Sử dụng thông tin cá nhân trong môi trường số một cách phù hợp
- Biết được thông tin cá nhân và gia đình có thể được lưu trữ và trao đổi nhờ máy tính.
 - Có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và gia đình khi giao tiếp qua máy tính; biết được việc người xấu có thể lợi dụng những thông tin này gây hại cho em và gia đình.
b) Lớp 4: Bản quyền sử dụng phần mềm
- Nêu được một vài ví dụ cụ thể về phần mềm miễn phí và phần mềm không miễn phí.
 - Biết rằng chỉ được sử dụng phần mềm có bản quyền khi được phép.
c) Lớp 5: Bản quyền nội dung thông tin
- Giải thích được một số khái niệm liên quan đến bản quyền nội dung thông tin.
– Nhận biết và giải thích sơ lược được một số vấn đề đạo đức và tính hợp lệ của việc truy cập nội dung, việc bảo mật thông tin.
– Thể hiện được sự tôn trọng tính riêng tư và bản quyền nội dung thông tin.
– Thể hiện được sự không đồng tình với hiện tượng sai trái, gian dối trong học tập và đời sống như xem thư riêng hay sao chép tệp của bạn khi chưa được sự đồng ý…
2. Ở cấp trung học cơ sở
a) Lớp 6: Đề phòng một số tác hại khi tham gia Internet:
- Giới thiệu được sơ lược về một số tác hại và nguy cơ bị hại khi tham gia Internet.
- Nêu và thực hiện được một số biện pháp phòng ngừa cơ bản với sự hướng dẫn của giáo viên.
 - Trình bày được tầm quan trọng của sự an toàn và hợp pháp của thông tin cá nhân và tập thể, nêu được ví dụ minh hoạ.
- Bảo vệ được thông tin và tài khoản cá nhân với sự hỗ trợ của người lớn.
 - Nêu được một vài cách thông dụng để chia sẻ thông tin của bản thân và tập thể sao cho an toàn và hợp pháp.
 - Nhận diện được một số thông điệp (chẳng hạn email, yêu cầu kết bạn, lời mời tham gia câu lạc bộ,...) lừa đảo hoặc mang nội dung xấu.
b) Lớp 7: Văn hoá ứng xử qua phương tiện truyền thông số
- Nêu được một số ví dụ truy cập không hợp lệ vào các nguồn thông tin và kênh truyền thông tin.
 - Thực hiện được giao tiếp qua mạng (trực tuyến hay không trực tuyến) theo đúng quy tắc và bằng ngôn ngữ lịch sự, thể hiện ứng xử có văn hoá.
 - Biết được tác hại của bệnh nghiện Internet, từ đó có ý thức phòng tránh.
 - Nêu được cách ứng xử hợp lí khi gặp trên mạng hoặc các kênh truyền thông tin số những thông tin có nội dung xấu, thông tin không phù hợp lứa tuổi.
 - Biết nhờ người lớn giúp đỡ, tư vấn khi cần thiết, chẳng hạn khi bị bắt nạt trên mạng.
c) Lớp 8: Đạo đức và văn hoá trong sử dụng công nghệ kĩ thuật số
- Nhận biết và giải thích được một số biểu hiện vi phạm đạo đức và pháp luật, biểu hiện thiếu văn hoá khi sử dụng công nghệ kĩ thuật số. Ví dụ: thu âm, quay phim, chụp ảnh khi không được phép, dùng các sản phẩm văn hoá vi phạm bản quyền,...
- Bảo đảm được các sản phẩm số do bản thân tạo ra thể hiện được đạo đức, tính văn hoávà không vi phạm pháp luật.
d) Lớp 9: Một số vấn đề pháp lí về sử dụng dịch vụ Internet.
- Trình bày được một số tác động tiêu cực của công nghệ kĩ thuật số đối với đời sống con người và xã hội, nêu được ví dụ minh hoạ.
- Nêu được một số nội dung liên quan đến Luật Công nghệ thông tin, Nghị định về sử dụng dịch vụ Internet, các khía cạnh pháp lí của việc sở hữu, sử dụng và trao đổi thông tin.
- Nêu được một số hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức,thiếu văn hoá khi hoạt động trong môi trường số thông qua một vài ví dụ.
3. Ở cấp trung học phổ thông
a) Lớp 10: Nghĩa vụ tuân thủ pháp lí trong môi trường số
- Nêu được một số vấn đề nảy sinh về pháp luật, đạo đức, văn hoá khi việc giao tiếp qua mạng trở nên phổ biến.
- Nêu được ví dụ minh hoạ sự vi phạm bản quyền thông tin và sản phẩm số, qua ví dụ đó giải thích được sự vi phạm đã diễn ra thế nào và có thể dẫn tới hậu quả gì.
- Trình bày và giải thích được một số nội dung cơ bản của Luật Công nghệ thông tin, Nghị định về quản lí, cung cấp, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng. Nêu được ví dụ minh hoạ.
- Giải thích được một số khía cạnh pháp lí của vấn đề bản quyền, của việc sở hữu, sử dụng và trao đổi thông tin trong môi trường số. Nêu được ví dụ minh hoạ.
- Vận dụng được Luật và Nghị định nêu trên để xác định được tính hợp pháp của một hành vi nào đótrong lĩnh vực quản lí, cung cấp, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin.
 - Nêu được ví dụ về những tác hại của việc chia sẻ và phổ biến thông tin một cách bất cẩn.
- Nêu được một vài biện pháp đơn giản và thông dụng để nâng cao tính an toàn và hợp pháp của việc chia sẻ thông tin trong môi trường số.
b) Lớp 11: Ứng xử văn hoá và an toàn trên mạng
- Nêu được một số dạng lừa đảo phổ biến trên mạng và những biện pháp phòng tránh.
- Giao tiếp được trên mạng qua email, chat, mạng xã hội,... và trong môi trường số một cách văn minh, phù hợp với các quy tắc và văn hoá ứng xử.
c) Lớp 12: Gìn giữ tính nhân văn trong thế giới ảo
- Phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể.
- Phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 

[1] Ở chương trình hiện hành, môn Tin học không phân hóa nên mọi học sinh phải học những nội dung giống nhau bất kể năng khiếu và sở thích khác nhau.
[2] Virtual World - Thế giới do con người tạo ra trong môi trường số (Khái niệm tại Phần VIII giải thích và hướng dẫn thực hiện Chương trình môn học Tin học theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐTngày 26/12/2018)

Xem thêm »