Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong trường học

21/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Vừa qua, Học viện Tư pháp phối hợp cùng Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội tổ chức buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật “Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng 2018, và sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh” cho toàn thể thầy cô giáo và 675 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 của Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội.

Nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người trẻ
Phát biểu tại chương trình, LS Đào Ngọc Chuyền, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nêu rõ, Luật Trẻ em năm 2016 được xây dựng trên cơ sở thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Luật Trẻ em năm 2016 kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định mới bảo đảm đồng bộ, phù hợp Hiến pháp 2013, Công ước Quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có bước phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu kéo theo là sự phát triển của internet, mạng xã hội đem lại những lợi ích rất lớn, tạo môi trường cung cấp, trao đổi, chia sẻ, khai thác thông tin cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sự phát triển internet và mạng xã hội đã bộc lộ những mặt hạn chế gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội, đặc biệt là các em học sinh.
Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội mong muốn thông qua buổi tuyên truyền sẽ giúp các em học sinh tự trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt các quyền và bổn phận của trẻ em; có lối sống lành mạnh, văn minh, ứng xử đúng đắn trên môi trường mạng, nắm bắt và phòng chống các hành vi xấu độc trên môi trường mạng.

Tại buổi tuyên truyền, các luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã cùng nhau đưa những nội dung thiết thực, quan trọng của Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng 2018, và cách sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh đến các em học sinh bằng nhiều hình thức phong phú như: thông qua tiểu phẩm hài, hỏi đáp, và phân tích tình huống từ thực tiễn các em học sinh đưa ra.

Bày tỏ vui mừng khi được tham gia buổi tuyên truyền, em Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 7a2, Trường phổ thông dân tộc nội trú Hà Nội đánh giá đây là một chương trình rất hay và ý nghĩa, đặc biệt, thông qua buổi tuyên truyền các bạn học sinh sẽ có được rất nhiều kiến thức bổ ích bởi cách truyền đạt thông tin của các luật sư rất phù hợp với học sinh. Em Nguyễn Ngọc Mai bày tỏ mong muốn, thời gian tới, trường và các đơn vị sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tuyên truyền ý nghĩa hơn nữa.

“Sự phù hợp”- yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật
Chia sẻ với phóng viên, LS Lê Ngọc Hà, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, việc trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng, dù không phải là nghĩa vụ bắt buộc của các luật sư nhưng từ ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, và mong muốn để xã hội thêm nhiều người hiểu biết pháp luật, từ đó giảm bớt những chuyện không hay xảy ra, các luật sư luôn cố gắng để chuyển tải tới người nghe những kiến thức pháp luật, giúp họ nâng cao nhận thức, niềm tin về pháp luật, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật.

Theo LS Lê Ngọc Hà, để hoạt động TTPBPL có hiệu quả các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật phải bảo đảm được sự phù hợp giữa nội dung, hình thức với đối tượng được tuyên truyền.
Thứ nhất, về sự phù hợp giữa nội dung tuyên truyền và đối tượng, muốn TTPBPL thành công, người TTPBPL phải đặt câu hỏi: Nói cho ai nghe? Nắm vững đối tượng tuyên truyền sẽ có sự chuẩn bị về phạm vi, nội dung văn bản pháp luật cần tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý, đặc điểm của đối tượng tuyên truyền để lựa chọn được nội dung thỏa mãn yêu cầu người nghe. Mỗi đối tượng đều có đặc điểm riêng biệt bởi vậy nên việc đảm bảo sự phù hợp giữa nội dung tuyên truyền và đối tượng là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nội dung tuyên truyền cần phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ; kết hợp lý thuyết với thực tiễn, thiết thực trong đời sống tạo cảm nhận gần gũi, dễ tiếp nhận.

Thứ hai, về sự phù hợp giữa hình thức với đối tượng, sự phù hợp giữa nội dung tuyên truyền và đối tượng là rất quan trọng, nhưng sự phù hợp giữa hình thức với đối tượng lại càng quan trọng hơn, bởi lẽ sau khi lựa chọn được nội dung phù hợp với đối tượng, người TTPBPL phải biết cách truyền đạt bằng hình thức nào để đạt hiệu quả cao nhất.

LS Lê Ngọc Hà cho biết, thời gian qua, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã thực hiện đa dạng, tập trung vào các hình thức như: Phổ biến, tư vấn pháp luật trực tiếp; tư vấn, giải đáp pháp luật, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; biên tập các videoclip xây dựng tình huống pháp luật và giải đáp tình huống pháp luật thường gặp; phổ biến, tư vấn pháp luật trực tuyến (online) qua mạng Internet; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình…
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 

Xem thêm »