Tình hình triển khai chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

20/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Index - GII), thể hiện sự cải thiện rõ rệt về năng lực đổi mới và sáng tạo. Theo báo cáo GII 2024, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2023, từ vị trí 46 lên vị trí 44 trên 133 quốc gia, nền kinh tế. Trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta tiếp tục duy trì vị trí thứ hai, chỉ sau Ấn Độ, và giữ vị trí thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Năm 2024, trong chỉ số GII, Việt Nam có 3 chỉ số dẫn đầu gồm: Nhập khẩu công nghệ cao; xuất khẩu công nghệ cao; xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Đây là lần đầu tiên, chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của nước ta đạt được vị trí dẫn đầu thế giới. Đáng chú ý, các chỉ số về đầu tư mạo hiểm của nước ta đang có xu hướng phát triển tốt. Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022. Tuy nhiên, so với mức giảm 35% trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước rất nhiều thách thức trên thị trường vốn. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cần vượt qua nhiều thách thức để tạo nên sự đột phá cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đặc biệt là cần tháo gỡ các rào cản liên quan đến nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Để khuyến khích sự phát triển của thị trường vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là dòng vốn đầu tư mạo hiểm, Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tạo lập một thị trường vốn khởi nghiệp năng động và bền vững.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo trong thu hút các nguồn vốn đầu tư, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018. Nghị định 38/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa các quy định về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, quy định chi tiết về việc hình thành và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhằm cung cấp khoản vốn hạt giống ban đầu để hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã mở ra cơ hội huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục thiết kế và triển khai các chính sách hỗ trợ (ưu đãi thuế, bảo vệ quyền lợi quỹ đầu tư, …) nhằm khuyến khích sự phát triển và tăng cường tính cạnh tranh của các quỹ đầu tư nội địa so với các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Qua tổng hợp và khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có 33 quỹ thành lập theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP với quy mô vốn góp khoảng 413 tỷ đồng. Các quỹ này đã thực hiện 122 thương vụ đầu tư, 11 quỹ đang hoạt động tích cực, 07 quỹ thực hiện hoạt động đầu tư thông qua chương trình ươm tạo hoặc thúc đẩy kinh doanh. Mặc dù tổng số vốn huy động của các quỹ còn khiêm tốn nhưng đây là khoản đầu tư quan trọng trong giai đoạn đầu của các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Qua 6 năm triển khai, Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã định hình thêm một kênh dẫn vốn quan trọng thúc đẩy đầu tư mạo hiểm cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn của nhà đầu tư nhỏ, phù hợp với quy mô và trình độ phát triển của các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Nghị định 38/2018/NĐ-CP cũng còn một số quy định bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng cũng như kỳ vọng của cộng đồng quỹ đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, một số quy định về quy trình, thủ tục thành lập và hoạt động của quỹ chưa được phân cấp và một số quy định chưa thực sự cần thiết dẫn tới tạo thêm gánh nặng hành chính cho các nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện xong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2018/NĐ-CP trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và dự kiến trình Chính phủ trong năm 2024.

Ở cấp độ địa phương: đến nay, đã có hơn 20 địa phương đã và đang thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia.

Thủ đô Hà Nội, trong năm 2024, đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái trên địa bàn. Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô (29/8/2024) lần thứ 2 đã diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, với mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Hà Nội. Sự kiện thu hút hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp và 30 quỹ đầu tư tham gia, cùng sự hiện diện của hơn 50 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Trong khuôn khổ sự kiện, hơn 20 sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến đã được giới thiệu, tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lễ phát động cuộc thi Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu (VietChallenge) lần thứ 7 đã mở ra cơ hội cho các startup trong nước và quốc tế tranh tài, với kỳ vọng thu hút hơn 200 đội thi đến từ 10 quốc gia. Ngày hội cũng ghi nhận hơn 50 kết nối trực tiếp giữa các startup và nhà đầu tư, trong đó 12 dự án nhận được cam kết đầu tư ngay tại sự kiện. Những con số này không chỉ minh chứng cho sự phát triển sôi động của hệ sinh thái khởi nghiệp thủ đô mà còn góp phần đưa Hà Nội tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024, với nhiều điểm mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Hà Nội. Trong đó, Luật cho phép Hà Nội thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của thành phố. Mục tiêu là hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.
Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm: (1) Hỗ trợ chi phí ươm tạo bao gồm chi phí thuê chuyên gia, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; (2) Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; (3) Thử nghiệm có kiểm soát các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới trong môi trường thực tế trước khi triển khai rộng rãi.
Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy hệ sinh thái trên địa bàn: Đẩy mạnh hoàn thiện tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM (Startup Hub) với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực. Tòa nhà có diện tích sử dụng hơn 17.000 m² và được xây dựng với tổng vốn đầu tư lên đến 323 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước; ban hành Kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2024-2028 (Kế hoạch số 433/KH-UBND), triển khai các chính sách hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2024-2028. Mục tiêu đến năm 2028 là hỗ trợ hơn 1.000 dự án ở giai đoạn tiền ươm tạo, hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm; phát động các chương trình và cuộc thi khởi nghiệp: Thành phố đã phát động Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 (Gov.Star 2024)" và Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2024 (I-Star 2024) nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các giải pháp sáng tạo trong khu vực công và cộng đồng khởi nghiệp; hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp: Thành phố triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo thông qua các giai đoạn: Tiền ươm tạo (hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án), ươm tạo (80 triệu đồng/dự án) và tăng tốc (400 triệu đồng/dự án). Dự án được tuyển chọn dựa trên các tiêu chí như tính sáng tạo, năng lực thực hiện, hiệu quả kinh tế và tiềm năng thị trường./.
 
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »