Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó yêu cầu “đa dạng hóa phương thức truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là thông qua ứng dụng công nghệ số; ưu tiên những nội dung quan trọng được phát trên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả trên hệ thống phát thanh, truyền hình quốc gia”. Để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ, ngày 13/5/2025, đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã gặp gỡ, làm việc, trao đổi giải pháp triển khai với Lãnh đạo Ban Chương trình và Ban Chuyên đề - Khoa giáo (VTV5) của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Lê Vệ Quốc đã thông tin về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách hiện nay, nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, công tác xây dựng và thi hành pháp luật cũng được đổi mới căn bản, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thể chế được nhận định là điểm nghẽn của điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ, khắc phục để khơi thông nguồn lực. Trước tình hình đó, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý hiện được giao đầu mối thường trực phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông chủ lực quốc gia trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam.
Thông qua trao đổi, nắm bắt ý kiến, các bên xác định rõ truyền thông chính sách rất quan trọng và cần có giải pháp dài hơi. Các Ban của Đài đã gợi mở việc đa dạng hóa phương thức truyền thông như xây dựng, phát sóng các bản tin chính sách pháp luật, truyền thông trên nền tảng số VTVgo, thông qua các dải phim truyền hình lồng ghép truyền tải thông điệp pháp luật một cách mềm mại, phù hợp với cuộc sống; đưa câu hỏi pháp luật vào các gameshow… Phía Đài đang ấp ủ và dự kiến sẽ xây dựng một kênh chuyên đề dành cho truyền thông chính sách pháp luật. Trên cơ sở đó, hai bên thống nhất sẽ tham mưu và đề xuất cấp có thẩm quyền ký kết kế hoạch hợp tác để có căn cứ và cơ sở triển khai thực hiện. Các chương trình sẽ được đầu tư về nội dung, cách thức thực hiện và truyền tải đến mọi đối tượng bằng các hình thức phù hợp, bao gồm cả tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số./.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý