Khen thưởng hoặc kỷ luật học sinh là biện pháp giáo dục đã được áp dụng trong các nhà trường từ rất lâu. Theo đó, khen thưởng nhằm động viên, ghi nhận, biểu dương, tạo động lực cho học sinh tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Ngược lại kỷ luật được thực hiện nhằm giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của các em, vốn đang ở độ tuổi chưa chín chắn, trưởng thành về tâm sinh lý, còn thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh áp dụng đối với: Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, trường cao đẳng có học sinh học chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông; người đứng đầu trường (sau đây gọi là Hiệu trưởng); người học đang học chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông tại trường (sau đây gọi là học sinh); cha, mẹ, người giám hộ của học sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Thông tư tập trung quy định các hình thức khen thưởng, các biện pháp và hình thức kỷ luật cũng như thẩm quyền thực hiện khen thưởng, kỷ luật.
Về khen thưởng, theo Thông tư số 08/TT có 6 hình thức khen thưởng, bao gồm khen trước lớp, khen trước toàn trường, tặng danh hiệu “học sinh khá”, tặng danh hiệu “học sinh giỏi”, được ghi tên vào bảng danh dự của trường, tặng danh hiệu học sinh xuất sắc, khen thưởng đặc biệt.
Còn dự thảo Thông tư thay thế thì quy định 5 hình thức khen thưởng, bao gồm: Tuyên dương trước lớp; tuyên dương trước toàn trường; giấy khen của Hiệu trưởng; thư khen; hình thức tuyên dương, khen thưởng khác.
Tuyên dương trước lớp được thực hiện đối với học sinh có hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong lớp hoặc học sinh có tiến bộ rõ rệt về học tập, rèn luyện. Giáo viên quyết định và thực hiện việc tuyên dương học sinh trước lớp vào thời điểm phù hợp.
Tuyên dương trước toàn trường được thực hiện đối với học sinh có thành tích xuất sắc, hành vi tốt đẹp, có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến học sinh khác trong trường hoặc học sinh có thành tích nổi bật trong học tập, rèn luyện. Giáo viên chủ nhiệm đề nghị Hiệu trưởng tuyên dương học sinh trước toàn trường.
Giấy khen của Hiệu trưởng dành cho học sinh đạt thành tích theo quy định về đánh giá học sinh của Bộ GD-ĐT hoặc có nhiều đóng góp cho tập thể lớp, trường, công tác Đoàn, Đội; tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu và tập thể lớp công nhận; có thành tích trong các phong trào thi đua, cuộc thi, hội thi theo quy định.
Thư khen được thực hiện đối với học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tiến bộ, tự vượt lên chính mình hoặc có thành tích đột xuất nổi bật.
Về kỷ luật, Thông tư số 08/TT quy định 05 biện pháp, hình thức kỷ luật, gồm có khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ, đuổi học 1 năm.
Trong khi đó, dự thảo Thông tư mới quy định các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học như nhắc nhở; yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học có các hình thức nhắc nhở; phê bình; yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Các hành vi vi phạm để xem xét kỷ luật được quy định tại dự thảo Thông tư gồm hành vi bị nghiêm cấm đối với học sinh trong cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục và hành vi vi phạm quy định của trường, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về mức độ vi phạm, dự thảo Thông tư quy định cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và các thành viên khác căn cứ tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm để xác định mức độ vi phạm. Mức độ 1 là vi phạm có tác hại đến bản thân học sinh; mức độ 2 là vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi nhóm, lớp; mức độ 3 là vi phạm có ảnh hưởng tiêu cực trong phạm vi trường.
Bên cạnh áp dụng các biện pháp kỷ luật, dự thảo Thông tư cũng quy định một số hoạt động hỗ trợ chủ yếu để khắc phục hành vi vi phạm như: Khuyên bảo, động viên để học sinh tự nhận thức được hành vi và khắc phục; theo dõi, tư vấn, hỗ trợ học sinh; yêu cầu học sinh thực hiện một số hoạt động phù hợp; phối hợp với gia đình và các lực lượng khác để tư vấn, hỗ trợ học sinh.
của học sinh. Còn theo quy định hiện hành, đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường và Dự thảo Thông tư quy định các biện pháp kỷ luật đối với học sinh tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ hình thức kỷ luật đuổi học một tuần lễ sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết.
Về thẩm quyền kỷ luật, dự thảo Thông tư quy định Hiệu trưởng, Giáo viên chủ nhiệm thực hiện các biện pháp kỷ luật quy định tại dự thảo Thông tư này. Cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện các biện pháp kỷ luật (nhắc nhở, yêu cầu xin lỗi) đối với học sinh tiểu học; biện pháp kỷ luật nhắc nhở và phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thực hiện biện pháp kỷ luật phê bình; yêu cầu viết bản tự kiểm điểm đối với học sinh ngoài đối tượng học sinh tiểu học.
So với Thông tư số 08/TT, dự thảo Thông tư quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ví dụ như hội đồng trường có trách nhiệm ban hành quy định hình thức, định mức thưởng cho học sinh được tặng giấy khen của Hiệu trưởng và các hình thức thưởng phù hợp khác. Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể học sinh, thành viên trong trường, gia đình học sinh và tổ chức thực hiện khen thưởng, kỷ luật học sinh theo quy định. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh; đề xuất các hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh. Gia đình học sinh chủ động, tích cực phối hợp với trường quản lý, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm túc quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới cũng quy định rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện thông tư.
Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến đến ngày 06/07/2025 tại Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo (
https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1690)./.