“Pháp luật” – Hành trang chắp cánh cho công dân toàn cầu

24/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Đoàn công tác thăm và làm việc tại Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto

Tiếp nối chuỗi các hoạt động trong chuyến công tác, sáng ngày 23/5/2025, Đoàn công tác của Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto , Tokyo, Nhật Bản (Kanto International Senior High School)[1]. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đoàn đã trực tiếp dự giờ một tiết giảng môn “Công dân học” với nội dung chuyên sâu về kinh tế - chính trị dành cho học sinh năm thứ ba (học sinh lớp 12).
Tiếp đón Đoàn có thầy Daryoosh Matsudaira – Hiệu trưởng, thầy Kurosawa Shinji, Hiệu phó trường, cùng 02 giáo viên giảng dạy pháp luật tại nhà trường.
Sau buổi dự giờ, hai bên đã có buổi trao đổi, thảo luận chuyên môn về nội dung, phương pháp giảng dạy pháp luật trong chương trình trung học phổ thông tại Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto, đặc biệt là cách tiếp cận giáo dục pháp luật từ góc độ toàn cầu, kết hợp giữa kiến thức lý luận và kỹ năng thực tiễn.
Chia sẻ thông tin về nội dung Đoàn muốn tìm hiểu, thầy Kurosawa Shinji cho biết, trong chương trình phổ thông tại Nhật Bản, pháp luật không được dạy như một môn độc lập có tên “Luật” cụ thể, mà được tích hợp trong các môn học như: Môn Công dân học (公民 – Kōmin) dạy về hiến pháp, quyền công dân, pháp luật cơ bản, đạo đức xã hội, kinh tế – chính trị; Môn Xã hội học, Lịch sử hiện đại, Kinh tế - chính trị… có lồng ghép nội dung pháp luật. Sách giáo khoa của các môn học này phải được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản – gọi tắt là MEXT (Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology) thẩm định và phê duyệt trước khi sử dụng rộng rãi.
Với các trường tư thục và quốc tế như Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto, trường có thể xây dựng chương trình giảng dạy pháp luật riêng, phù hợp với định hướng quốc tế (như chương trình IB, song ngữ, hoặc định hướng công dân toàn cầu). Giáo trình nội bộ có thể không cần qua MEXT thẩm định nếu trường được xếp vào nhóm "trường tư thục đặc biệt" (Specially Authorized Private Schools) hoặc giảng dạy ngoài chương trình quốc gia. Tuy nhiên, nếu các trường này vẫn tuân thủ khung chương trình của Nhật, thì các sách giáo khoa chính thống vẫn cần qua thẩm định của MEXT; những tài liệu bổ trợ hoặc bài giảng nội bộ có thể do hội đồng học thuật của trường tự phê duyệt và sử dụng.
Mục tiêu của chương trình giáo dục pháp luật được giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật Nhật Bản và pháp luật quốc tế; Hình thành ý thức pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật trong sinh hoạt, học tập và tương lai nghề nghiệp; Bồi dưỡng tư duy phản biện, năng lực phân tích và giải quyết vấn đề pháp lý trong các tình huống thực tiễn; Tạo nền tảng cho học sinh có nguyện vọng theo đuổi các ngành học như luật, kinh tế – chính trị… ở bậc đại học.
Chụp ảnh lưu niệm với đại diện nhà trường

Theo đó, mỗi năm học, học sinh tham gia khoảng 35 – 40 tiết học pháp luật (tương đương với 1 tiết/tuần, khoảng 2 tiết/tuần đối với học sinh năm thứ 3), với nội dung được cập nhật theo các chủ đề hiện hành như: Luật Hiến pháp, Quyền công dân, Pháp luật và kinh doanh, Công lý và hệ thống tư pháp,…
Bên cạnh phương pháp giảng dạy truyền thống, để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy pháp luật, giáo viên cũng đã thiết kế các slide, Powerpoint bài giảng… Việc kiểm tra, đánh giá kiến thức pháp luật của học sinh thường được thực hiện thông qua các bài kiểm tra hoặc các bài tiểu luận.
Hoạt động ngoại khóa liên quan đến giáo dục pháp luật tại các trường phổ thông Nhật Bản nói chung, trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto nói riêng, rất đa dạng và hướng đến việc giúp học sinh áp dụng kiến thức pháp luật vào thực tế, phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm, tăng cường ý thức pháp luật và trách nhiệm công dân tích cực trong xã hội, như: mô hình mô phỏng tòa án, phiên tòa giả định (Mock Trial)[2]; tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm với chuyên gia pháp luật, luật sư về các vấn đề thời sự như quyền trẻ em, luật bảo vệ môi trường, luật lao động… Sự tích hợp linh hoạt giữa chương trình giảng dạy chính khóa và các hoạt động ngoại khóa như trên cho phép học sinh tiếp cận pháp luật không chỉ ở khía cạnh lý thuyết mà còn ở chiều sâu thực tiễn và đạo đức công dân.
Chuyến thăm, làm việc tại Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto là cơ hội quý báu để Đoàn học hỏi những mô hình giảng dạy pháp luật hiện đại, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực công dân toàn cầu cho học sinh phổ thông trong thời đại hội nhập sâu rộng. Đích đến của giáo dục pháp luật: dựng xây không chỉ kiến thức, mà còn xây dựng con người chủ động, sáng tạo, đồng cảm và dũng cảm bảo vệ lẽ phải; gieo vào được tâm trí các em niềm tin rằng: hiểu luật không phải để né trách nhiệm, mà chính là nhận lấy trách nhiệm – cho bản thân, cho cộng đồng và cho cả đất nước. Khi học sinh học cách thấu hiểu và vận dụng luật pháp, các em không chỉ bảo vệ được quyền lợi cá nhân, mà đó chính là lúc pháp luật “sống”, vượt khỏi trang sách, để chảy trong mạch cảm xúc, trong quyết định và trong giá trị nhân cách của mỗi con người./.
Nguyễn Giang
Cục phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

[1] Học sinh tham gia đóng vai các bên trong phiên tòa (thẩm phán, luật sư, nguyên đơn, bị đơn, nhân chứng). Hình thức này giúp học sinh hiểu quy trình tố tụng, phát triển kỹ năng lập luận và tranh luận pháp lý.
 

[2] Trường Trung học phổ thông Quốc tế Kanto được thành lập vào năm 1924 tại Tokyo, Nhật Bản và nổi bật với chương trình học đa ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Xem thêm »