Mở rộng đối tượng và phạm vi hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân
Với nguyên tắc lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân làm trung tâm, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã dành 11 Điều tại Chương V quy định về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, quy định của chương này đã mở rộng hơn các đối tượng và phạm vi được hỗ trợ, cụ thể:
(1) Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú
[1].
(2) Được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe khi tiếp nhận, được sơ cứu, cấp cứu nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe; trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân nếu cần được chăm sóc để phục hồi sức khỏe thì được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chưa có bảo hiểm y tế thì được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên (
Luật Phòng, chống mua bán năm 2011 quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ);
(3) Mở rộng phạm vi được hỗ trợ để ổn định tâm lý đối với trường hợp nạn nhân không trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật Phòng, chống mua bán năm 2011quy định chỉ nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân mới được hỗ trợ);
(4) Được hỗ trợ pháp luật bằng hình thức tư vấn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ; mở rộng đối tượng và nội dung được trợ giúp pháp lý;
(5) Mở rộng đối tượng khi trở về nơi cư trú được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống (Luật Phòng, chống mua bán năm 2011 quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ);
(6) Mở rộng đối tượng nạn nhân khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu (Luật Phòng, chống mua bán năm 2011 quy định chỉ nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được hỗ trợ);
(7) Được hỗ trợ chi phí phiên dịch trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân (Luật Phòng, chống mua bán năm 2011 không quy định nạn nhân được hỗ trợ chế độ này). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bảo đảm phân cấp, phân quyền cụ thể cho các cơ quan chức năng.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi và nâng cao chế độ hỗ trợ nạn nhân nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian tới, thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.
Hỗ trợ pháp luật - chính sách nhân đạo, tiến bộ bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán
So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thì Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã bổ sung nội dung mới về hỗ trợ pháp luật cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân. Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 20 của Nghị định số 162/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống mua bán người như sau:
Về đối tượng hỗ trợ pháp luật là:
(i) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng;
(ii) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng;
(iii) Nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam. Như vậy, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 có điểm mới rất quan trọng, đó là bổ sung quy định về chế độ hỗ trợ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng. Việc bổ sung chế định này trong Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã lấp được khoảng trống về việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho đối tượng này, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Về chế độ hỗ trợ pháp luật: Đối với 02 đối tượng ((i) Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng; (ii) Người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam và người dưới 18 tuổi đi cùng) được cung cấp thông tin về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống mua bán người, hình thức di cư an toàn, việc làm an toàn để phòng ngừa bị mua bán trở lại, trình tự, thủ tục đề nghị trợ giúp pháp lý, các quy định về chế độ hỗ trợ, các dịch vụ tái hòa nhập; tư vấn làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Còn đối với đối tượng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam: dựa trên nhu cầu của đối tượng và điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cung cấp thông tin về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống mua bán người, hình thức di cư an toàn; các chính sách hỗ trợ của Việt Nam; hướng dẫn, kết nối họ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ làm thủ tục hồi hương.
Về cơ quan thực hiện việc hỗ trợ pháp luật gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các quy định này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công lý của nạn nhân, bảo vệ công bằng, công lý và phẩm giá của nạn nhân, góp phần phát hiện, xử lý hành vi phạm tội hiệu quả hơn. Khi được tư vấn, hỗ trợ pháp luật, nạn nhân có thể cung cấp lời khai trung thực, chính xác cho cơ quan điều tra, tham gia tích cực vào quá trình tố tụng, được bảo vệ trong suốt quá trình làm việc với cơ quan nhà nước, không bị đe dọa hoặc trả thù. Nhờ vậy, quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người được tăng cường hiệu quả và minh bạch và phù hợp với chính sách nhân đạo, tiến bộ và hội nhập quốc tế của Việt Nam./.