Ngày 27/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 99/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, với mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự và các cơ quan có liên quan theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn đã được tổng kết, chỉ rõ và được cấp có thẩm quyền kết luận, yêu cầu sửa đổi; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin trong tố tụng hình sự.
1. Tinh giản mô hình của Cơ quan điều tra từ 03 cấp còn 02 cấp
Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 111 điều của Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan theo hướng tinh giản mô hình 3 cấp của Cơ quan điều tra (Bộ, tỉnh, huyện) xuống còn 2 cấp (Bộ và tỉnh); sắp xếp lại mô hình Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân từ 4 cấp xuống còn 3 cấp (Tối cao, tỉnh, khu vực); bổ sung quy định cho phép Trưởng công an xã và Phó trưởng công an xã thực hiện một số nhiệm vụ điều tra sơ bộ đối với vụ án ít nghiêm trọng tại địa bàn cấp xã.
2. Cho phép cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can vắng mặt
Cơ chế xử lý đối với bị can vắng mặt được Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can vắng mặt trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc đang ở nước ngoài và không thể triệu tập và đảm bảo quyền bào chưa cho bị can trong những trường hợp đặc biệt nêu trên.
Đồng thời, thủ tục xem xét bản án tử hình trước thi hành được quy định tại Điều 367 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, giúp giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thực tiễn.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tố tụng
Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện nay, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tố tụng là cần thiết. Trên cơ sở đó, các Điều 131,132,137,141 của Luật đã quy định về việc số hóa hồ sơ vụ án, chữ ký số và bổ sung hình thức thông báo văn bản tố tụng qua nền tảng số, phần mềm ứng dụng dùng chung triển khai tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của các cơ quan tiến hành tố tụng.
4. Sửa đổi quy định về thời hạn giám định để phù hợp, thống nhất với Luật Giám định tư pháp
Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thời gian giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Ngoài ra, thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định. Tuy nhiên, để phù hợp với Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã sửa đổi quy định về thời hạn giám định đối với các trường hợp khác theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Theo đó, khoản 3 Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 quy định thời gian giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định thì tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
5. Bổ sung một điều mới về giữ người trong trường hợp khẩn cấp trước khi có yêu cầu dẫn độ
Luật đã bổ sung Điều 506a quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp trước khi có yêu cầu dẫn độ. Cụ thể việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp trước khi có yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật về dẫn độ.
Gồm 70 khoản để sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại 121 điều và bổ sung một điều mới, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2025 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn mới./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý