Luật Thanh tra số 84/2025/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 25/6/2025 tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 đã thể hiện bước đi chiến lược nhằm hoàn thiện thể chế, tổ chức và hoạt động của hệ thống thanh tra nhà nước trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tăng cường kiểm soát quyền lực và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Luật mới ra đời trong bối cảnh thực hiện các Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máu của hệ thống chính trị và Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống thanh tra, vốn là một bộ phận không thể thiếu trong kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sai phạm và tham nhũng, buộc phải thích nghi để không trở thành “điểm nghẽn” trong tiến trình cải cách. Trong khi đó, Luật Thanh tra năm 2022 dù mới được ban hành và triển khai nhưng qua thực tiễn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập về tổ chức, phân cấp và hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành.
Trên cơ sở đó, Luật Thanh tra số 84/2025/QH15 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, căn bản cho phù hợp với mô hình tổ chức thanh tra theo 02 cấp, quy định thống nhất về hoạt động thanh tra, quy định nhiệm vụ về phòng chống lãng phí…
1. Tinh gọn hệ thống thanh tra theo 02 cấp
Thể chế hóa toàn diện chủ trương tinh gọn bộ máy, hệ thống tổ chức thanh tra được vận hành theo mô hình 02 cấp, bao gồm trung ương và địa phương. Theo đó, không còn hệ thống thanh tra trung gian như Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra cũng được tổ chức lại cho phù hợp với đặc thù ngành và đảm bảo nguyên tắc không chồng chéo, không bỏ sót. Quy định này thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy quản lý nhà nước từ hành chính thuần túy sang quản trị hiện đại, lấy hiệu quả thực chất làm thước đo.
Bám sát chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Luật đã phân định và tập trung quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung về bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên, hoạt động thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra… để bảo đảm tính linh hoạt và khả thi trong tổ chức thực hiện.
2. Không phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành
Quy định thống nhất về hoạt động "thanh tra" mà không còn phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tất cả các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh và các đơn vị thanh tra khác đều thực hiện hoạt động thanh tra theo một quy trình, thủ tục thống nhất theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện kết luận thanh tra được quy định rõ trong Luật, đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp, xử lý chồng chéo và trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán nhà nước, điều tra, kiểm sát và kiểm tra.
3. Bổ sung nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí; kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra
Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí và kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh phát sinh khoảng trống pháp lý khi tổ chức lại các cơ quan thanh tra, Luật đã bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Cùng với đó đã mở rộng nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ; bổ sung các quy định về hình thức thanh tra trực tuyến, từ xa; xác lập nguyên tắc trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
4. Kế thừa những quy định còn phù hợp thực tiễn
Những quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2022 đã được kế thừa, bao gồm các nội dung về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động, quy trình, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra….
Để triển khai thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý đưa Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, Chính phủ khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, bao gồm Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; Nghị định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành; Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng, công an, ngành ngân hàng…
Trong bối cảnh công cuộc cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Luật Thanh tra năm 2025 là một công cụ pháp lý then chốt để kiểm soát quyền lực, củng cố niềm tin công chúng và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, để đưa Luật đi vào cuộc sống, cùng với việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác truyền thông, PBGDPL về Luật Thanh tra năm 2025, nhất là mục đích, ý nghĩa sửa đổi, bổ sung luật lần này và những nội dung cơ bản, điểm mới cũng giữ vai trò quan trọng, qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân, doanh nghiệp, bảo đảm cho công tác tổ chức thi hành được hiệu quả, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Thị Thạo – Lưu Mai Anh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý