Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

27/07/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Giao thông vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải có nhiều ưu việt, vận tải số lượng hàng hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng, giá thành thấp, ít gây ô nhiễm môi trường, là phương thức vận tải đang được nhiều nước ưu tiên sử dụng, đầu tư phục vụ quá trình phát triển bền vững. Việt Nam có hệ thống 3.551 sông kênh với tổng chiều dài 80.577 km, 3.260 km bờ biển, 124 cửa sông ra biển là nguồn tài nguyên lớn để vận tải thuỷ và là đặc điểm cạnh tranh quốc gia đặc thù. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hoạt động vận tải thủy phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh quốc gia, việc thực hiện, tuân thủ pháp luật về giao thông đường thủy còn hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ thể chế, chính sách như các quy định còn tản mạn, khó tra cứu, thiếu sự liên kết giữa các ngành vận tải, giữa giao thông đường thuỷ với quản lý lưu vực sông, chưa đánh giá hết và huy động được năng lực và khả năng phát triển của ngành đường thủy nội địa; một số quy định về thủ tục hành chính để giải quyết nhu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến đầu tư xây dựng, khai thác đường thủy nội địa và cảng bến thủy nội địa còn phức tạp,…

Cả nước có tổng số 80.577 km sông, kênh, rạch…, có khoảng 41.900 km đang khai thác vận tải, nhưng mới đưa vào quản lý 26.600 km đạt 63,33%, (đường thủy nội địa quốc gia 7.072 km và đường thủy nội địa địa phương 19.528 km). Vùng nước từ mép hành lang bảo vệ luồng về phía mỗi bờ có hoạt động vận tải thủy và các hoạt động khác, như nuôi trồng thủy sản (lồng, bè cá), đăng đáy cá; khai thác khoáng sản; xây dựng công trình. Như vậy, về chiều dài còn trên 15.000 km sông, kênh, rạch và hàng chục ngàn km2 vùng nước ngoài phạm vi luồng đường thủy nội địa có ảnh hưởng đến hoạt động vận tải chưa được phân định tổ chức quản lý rõ ràng, đây là khoảng trống tạo ra các bất cập về an toàn giao thông, khai thác tài nguyên khoáng sản, môi trường…
Theo đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa; quy định thống nhất biện pháp quản lý phù hợp với quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và thực tiễn khai thác, quản lý hoạt động giao thông vận tải; sửa đổi, bổ sung những quy định điều chỉnh hoạt động quản lý đường thủy nội địa phát sinh trong thực tiễn và các văn bản trước chưa quy định; đồng thời nâng cao tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa và khu neo đậu và gắn kết quản lý hạ tầng giao thông với quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, hiện Bộ Xây dựng đang khẩn trương tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (sau đây gọi là dự thảo Nghị định).
Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý, thực hiện các hoạt động liên quan đến đường thủy nội địa, điều chỉnh thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các cấp cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, không còn cấp huyện. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm giải thích từ ngữ, làm rõ nội dung về bến thủy nội địa; quy định về điều kiện tiêu chí luồng quốc gia, luồng địa phương và thực hiện phân cấp địa phương quản lý các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đang quản lý (chuyển luồng quốc gia thành luồng địa phương); bổ sung quy định chuyển đổi bến thủy nội địa thành cảng thủy nội địa; các quy định thiết lập kết cấu kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời; các quy định về cơ sở dữ liệu đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện các quyền, thủ tục. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung và chuyển thẩm quyền thực hiện một số thủ tục hành chính từ Bộ Xây dựng về Cục Hàng hải và đường thủy Việt Nam; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đối với cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi phương tiện; bãi bỏ thủ tục hành chính cấp phép phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (trừ các phương tiện: mang cấp VR-SB; phương tiện thủy xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh - việc cấp phép vào, rời cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu của các loại phương tiện này đang được điều chỉnh theo quy định đối với phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh theo quy định pháp luật hàng hải đối với tàu biển).
Việc xây dựng và ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giao thông vận tải thủy theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững. Đây là nền tảng quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của giao thông thủy nội địa trong giai đoạn phát triển mới, đồng thời mở ra không gian phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các phương thức vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững./.
 Giang Nguyễn
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý

Xem thêm »