Theo đó, Thông tư này quy định về đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải; tổ chức, cá nhân có liên quan, tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
Nguyên tắc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải
Việc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, các quy định của Thông tư này, pháp luật về đầu tư, xây dựng. Các báo hiệu hàng hải phải được bố trí tại các vị trí cần thiết nhằm bảo đảm an toàn hàng hải.
Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải theo quy hoạch được phê duyệt.
Thủ tục chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải
Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác tới Cục Hàng hải Việt Nam, hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị của tổ chức, cá nhân theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này và Thiết kế kỹ thuật của báo hiệu hàng hải.
Trình tự tiếp nhận và xử lý hồ sơ như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ;
Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời gian 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trách nhiệm quản lý báo hiệu hàng hải
Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về báo hiệu hàng hải trong phạm vi cả nước.
Cảng vụ hàng hải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý.
Các đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải trực tiếp quản lý, vận hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của báo hiệu hàng hải trong khu vực được giao.
Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 6 của Thông tư này tổ chức quản lý, vận hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của báo hiệu hàng hải do tổ chức, cá nhân đó đầu tư xây dựng.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành báo hiệu hàng hải
Lập kế hoạch định kỳ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp báo hiệu hàng hải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng báo hiệu hàng hải để các thông số kỹ thuật của báo hiệu luôn phù hợp với thông báo hàng hải đã công bố.
Khi báo hiệu hàng hải bị hư hỏng, mất hoặc sai lệch phải khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục kịp thời.
Kịp thời lập hồ sơ xác định mức độ hư hỏng, mất hoặc sai lệch của báo hiệu hàng hải gửi về cơ quan chức năng để điều tra, xử lý khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Hàng quý, báo cáo bằng văn bản tình trạng hoạt động của báo hiệu hàng hải về Cục Hàng hải Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
Khi có thay đổi về đặc tính của báo hiệu hàng hải so với thông báo hàng hải đã công bố, phải thông báo về tổ chức có thẩm quyền để công bố thông báo hàng hải kịp thời.
Nguyên tắc công bố thông báo hàng hải
Thông báo hàng hải phải được tổ chức có thẩm quyền công bố kịp thời tới các cơ quan, tổ chức liên quan.
Thông báo hàng hải đồng thời được truyền phát trên hệ thống đài thông tin duyên hải và trên phương tiện thông tin phù hợp khác.
Nội dung và yêu cầu của thông báo hàng hải
Nội dung của thông báo hàng hải phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và phản ánh một cách đầy đủ, chính xác các thông tin cần cung cấp.
Yêu cầu của thông báo hàng hải: Vị trí trong thông báo hàng hải được lấy theo hệ tọa độ VN-2000 và hệ tọa độ WGS-84, độ chính xác đến 1/10 giây; Độ sâu trong thông báo hàng hải là độ sâu của điểm cạn nhất trong khu vực cần được thông báo, tính bằng mét đến mực nước “số 0 hải đồ”, độ chính xác đến 1/10 mét; Địa danh trong thông báo hàng hải được lấy theo địa danh đã được ghi trên hải đồ hoặc trong các tài liệu hàng hải khác đã xuất bản. Trường hợp địa danh chưa được ghi trong các tài liệu nói trên thì sử dụng tên thường dùng của địa phương; Ngôn ngữ sử dụng trong thông báo hàng hải là tiếng Việt và thời điểm có hiệu lực và hết hiệu lực của thông báo hàng hải (nếu có).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015 và bãi bỏ Thông tư số 54/2011/TT-BGTVT ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo hiệu hàng hải và thông báo hàng hải.