Ngày 25/12/2015, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 132/2015/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.
Theo Nghị định, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là 01 năm. Đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Nghị định này bổ sung một số quy định xử lý các hành vi vi phạm như: Hành vi khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định; không có hoặc không làm thủ tục xác nhận hàng năm giấy chứng nhận an ninh cho cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài hoặc không thực hiện kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài đã được phê duyệt theo quy định; không có cán bộ an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài; hành vi sử dụng phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch mà không có biển hiệu theo quy định; hành vi không có sổ nhật ký của phương tiện theo quy định; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú ngủ đêm…
Vi phạm quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện
Cụ thể, theo quy định hành vi khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở ô xy hóa lỏng; phương tiện đệm khí; phạt từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng đối với tàu khách có sức chở trên 12 người mà không phải là tàu thủy lưu trú di lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu đệm khí; phạt từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với tàu thủy lưu trữ du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
Vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không báo kịp thời cho cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất khi xảy ra tại nạn giao thông đường thủy nội địa; phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi của người dây tai nạn như không có mặt đúng thời gian triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; không cung cấp tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau như không tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có điều kiện hoặc tham gia nhưng không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hiện trường; gây mất trật tự, cản trở việc cứu nạn, xử lý tai nạn; lợi dụng tai nạn xảy ra để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn.
Vi phạm quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa nguy hiểm không chấp hành quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ, độc hại ghi trong giấy phép; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận tải hàng hóa nguy hiểm có một trong các vi phạm như không trang bị phương tiện, dụng cụ phòng, chống cháy, nổ, độc hại hoặc không có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất lỏng độc hại khi vận tải xăng, dầu, chất lỏng độc hại...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Nghị định này bãi bỏ những quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa/.