Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013 (đối với các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014). Để triển khai thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 về việc ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC (gồm có 56 Nghị định). Ngày 30/3/2016, Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 20/2016/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính (Nghị định), có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2016. Đây cũng chính là Nghị định cuối cùng trong tổng số 56 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định này quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Nghị định bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Về sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
Mục đích của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là nhằm theo dõi, quản lý việc xử phạt vi phạm hành chính của những người có thẩm quyền xử phạt thuộc các cơ quan nhà nước; theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự;..., do đó, Điều 7 Nghị định được thiết kế theo hướng khẳng định thông tin về xử lý vi phạm hành chính trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được sử dụng chính thức trong quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.
Về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
Điều 8 Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng tập trung, thống nhất, sử dụng phần mềm dùng chung trên toàn quốc để thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu từ cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC.
Thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính là các thông tin được trích xuất từ các hệ thống quản lý nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Một số thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến thông tin gốc của người công dân, thông tin cơ bản của doanh nghiệp và thông tin về văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
Điều 9 Nghị định quy định cụ thể các thông tin phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để quản lý, bao gồm: thông tin về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thông tin về thi hành Quyết định xử phạt, thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; thông tin về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; thông tin về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính (quản lý tại gia đình),
Các thông tin này được quy định cụ thể, chi tiết nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng cho những người có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ phải tiếp nhận, xử lý, số hóa và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Vấn đề khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
Khoản 1 Điều 16 Nghị định quy định tương đối đa dạng các hình thức khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính như: khai thác thông qua việc kết nối mạng máy tính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; tra cứu thông tin trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử do Bộ Tư pháp quy định; gửi văn bản yêu cầu.
Đồng thời, khoản 2 Điều 16 Nghị định cũng quy định rõ 09 loại đối tượng được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, gồm: (1) cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; (2) cơ quan thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (3) cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; (4) cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (5) cơ quan lập hồ sơ đề nghị và cơ quan thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; (6) cơ quan quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; (7) các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; (8) Các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính có quyền yêu cầu và được cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật; và (9) Cá nhân, tổ chức được cung cấp thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính của mình khi có đơn đề nghị và phải trả phí theo quy định.
Khoản 3 Điều 16 Nghị định giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để cụ thể hóa các quy định của Nghị định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan liên quan trong quá trình khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Chu Thị Hoa, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật