Giới thiệu những quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự

01/10/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã bổ sung nhiều điểm mới quan trọng, trong đó đặc biệt là những quy định mới về bộ máy hệ thống tổ chức và công chức làm công tác thi hành án dân sự.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Thi hành án dân sự về công tác tổ chức cán bộ, ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009), Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP). Nghị định này gồm 4 chương, 55 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2009.

Mặc dù đã được hướng dẫn khá chi tiết, tuy nhiên vẫn còn một số điều, khoản của Nghị định 74/2009/NĐ-CP sẽ còn tiếp tục được hướng dẫn cụ thể hơn tại các Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ, ngành có liên quan hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, v.v... như: Hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án; Tiêu chuẩn ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên Trung cấp, Chấp hành viên cao cấp; Điều kiện, việc sơ tuyển, hồ sơ thi tuyển đối với người không phải là cán bộ, công chức tham gia thi tuyển Chấp hành viên và trường hợp công chức từ các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh này tham gia thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự tỉnh khác; Nội dung và hình thức thi nâng ngạch Thẩm tra viên thi hành án; Điều động, luân chuyển, biệt phái Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội; Mẫu thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi thẻ Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án; Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự được tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển; Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển; v.v…

Để cung cấp một cách có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc theo dõi, nắm bắt những quy định mới của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, bảo đảm việc áp dụng thống nhất, có hiệu quả ngay sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các quy định mới về từng lĩnh vực của công tác tổ chức cán bộ trong thi hành án dân sự, bao gồm:

- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự;

- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực thi hành án dân sự;

- Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên;

- Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên;

- Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên thi hành án;

- Tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án;

- Sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự;

- Thẻ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu đối với Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự;

- Lương, phụ cấp của Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự;

- Về việc tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên trong trường hợp không qua thi tuyển;

- Quy trình, thủ tục và điều kiện để bổ nhiệm từ ngạch Chấp hành viên cấp huyện, Chấp hành viên cấp tỉnh, Chấp hành viên quân khu sang ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp.

Phần 1: Quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp

Điều 13 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan quản lý thi hành án dân sự gồm cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan thi hành án dân sự gồm cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh); cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện); cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu).

Hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Điều 2 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định:

"Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (trừ hệ thống tổ chức thi hành án trong quân đội quy định tại Điều 8 Nghị định này) được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất, gồm có:

1. Ở Trung ương: Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp;

2. Ở cấp tỉnh: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự;

3. Ở cấp huyện: Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Tổng cục Thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự địa phương có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, trụ sở và tài khoản riêng".

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự được quy định cụ thể như sau:

Ở Trung ương: Theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP thì kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2009, Cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp sẽ được đổi thành Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Thi hành án dân sự có cơ cấu tổ chức gồm các đơn vị sau đây: Văn phòng; Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành bản án, quyết định dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, phá sản, trọng tài thương mại (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 1); Vụ Quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành phần dân sự, tiền, tài sản, vật chứng trong bản án, quyết định hình sự, hành chính và quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản (gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2); Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự.

Tổng Cục Thi hành án dân sự có cơ cấu cán bộ, công chức gồm Tổng Cục trưởng, không quá 03 Phó Tổng cục trưởng; Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương; Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chức khác.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng, cơ cấu cán bộ, tổ chức và biên chế của các tổ chức giúp việc Tổng Cục trưởng.

 Tổng Cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Tổng cục Thi hành án dân sự. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Tổng cục Thi hành án dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; dự thảo Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ về thi hành án dân sự; chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, dự thảo quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về thi hành án dân sự.

- Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định hoặc ban hành: Thông tư, Quyết định, Chỉ thị về thi hành án dân sự; thành lập, giải thể cơ quan thi hành án dân sự địa phương; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ trưởng và tương đương, Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương; bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án; quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự; quy định về thống kê thi hành án dân sự.

- Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về thi hành án dân sự sau khi được phê duyệt, ban hành; ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức kiểm tra: việc thực hiện trình tự, thủ tục và áp dụng pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; chế độ thống kê và báo cáo về thi hành án dân sự; Việc thu, chi tiền, giao, nhận tài sản trong thi hành án dân sự; việc thu nộp các khoản phí, lệ phí và chi phí tổ chức cưỡng chế thi hành án; các hoạt động khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

- Giải quyết khiếu nại về thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đánh giá kết quả về hợp tác quốc tế trong công tác thi hành án dân sự; tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm bản án và quyết định dân sự của Toà án có hiệu lực pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra về thi hành án dân sự và xử lý hành vi không chấp hành án theo quy định của pháp luật; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội.

- Nghiên cứu, quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin và hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật trong hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự.; thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự.

- Quản lý tổ chức, biên chế, cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng chuyên môn thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cách chức đối với một số chức vụ và bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với một số chức danh quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thẩm tra viên, cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Quản lý, thực hiện phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; quản lý khoản thu phí do cơ quan thi hành án dân sự địa phương nộp cho Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện việc điều hoà phí thi hành án và sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.

Ở cấp tỉnh: Thi hành án dân sự cấp tỉnh theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 sẽ được đổi tên thành Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự tỉnh) kể từ ngày 01/11/2009. Cục Thi hành án dân sự tỉnh là cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh thực hiện chức năng thi hành án dân sự, có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh có các phòng chuyên môn trực thuộc. Cục Thi hành án dân sự tỉnh có Cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Phó Cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp; Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án; Thẩm tra viên chính thi hành án; có thể có Thẩm tra viên cao cấp thi hành án; Thư ký thi hành án và công chức khác.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về chủ trương, biện pháp tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn và thực hiện báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật.

Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Quản lý, chỉ đạo về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: bảo đảm việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự cho Chấp hành viên, công chức khác của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn; kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện; tổng kết thực tiễn thi hành án dân sự; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

- Trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan Công an trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm chấp hành hình phạt tù và đặc xá cho người có nghĩa vụ thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 173 của Luật Thi hành án dân sự; báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu. 

Ở cấp huyện: Thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 sẽ được đổi tên thành Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự huyện) kể từ ngày 01/11/2009. Chi cục Thi hành án dân sự huyện là cơ quan thi hành án dân sự huyện trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Chi cục Thi hành án dân sự huyện là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thực hiện chức năng thi hành án dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện có Chi cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Phó Chi cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án và công chức khác.

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện chịu sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 174 Luật Thi hành án dân sự, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về chủ trương, biện pháp tăng cường công tác thi hành án dân sự trên địa bàn và thực hiện báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật.

Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

- Thực hiện quản lý công chức, cơ sở vật chất, kinh phí và phương tiện hoạt động được giao theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.

- Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo công tác tổ chức, hoạt động thi hành án theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự.

- Giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 của Luật Thi hành án dân sự; báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân khi có yêu cầu. (Còn nữa)

Nguyễn Văn Nghĩa

Xem thêm »