Bà Rịa - Vũng Tàu: ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải ở cơ sở năm 2025

18/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Toàn tỉnh  Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 499 Tổ hòa giải và 3.145 hòa giải viên. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 389 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư và đưa ra hòa giải trong đó số vụ việc hòa giải thành là 361 (đạt tỉ lệ 92,8%). Thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, đã giúp cho nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của công tác này được nâng lên, các hòa giải viên tại cơ sở được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó chất lượng, hiệu quả trong công tác tiếp nhận và giải quyết các vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm đều tăng, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương cũng còn tồn tại một số hạn chế như: trình độ hiểu biết, am hiểu pháp luật của một số hòa giải viên ở cơ sở còn chưa đồng đều; đội ngũ tập huấn viên cấp huyện tuy đã được kiện toàn, quan tâm nhưng hoạt động vẫn còn ít, thiếu kỹ năng truyền đạt, thiếu tự tin để tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở; kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải còn thấp, việc quy định mức chi cho vụ việc hòa giải thành và hòa giải không thành còn một số bất cập, không đủ cho Tổ hòa giải và hòa giải viên trang trải chi phí khi tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó chưa là động lực mạnh mẽ khích lệ hòa giải viên tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Để khắc phục những hạn chế này, cần phải tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Thực hiện Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 26/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” (Đề án hòa giải ở cơ sở), ngày 03/4/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-PBGDPL để thực hiện Đề án hòa giải ở cơ sở năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hòa giải ở cơ sở; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; gắn với mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có trình độ, kỹ năng hòa giải đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay.
Kế hoạch đã xác định cụ thể các nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án, phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận; huy động các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở, với các nội dung trọng tâm sau: 
(i) Thực hiện chỉ đạo điểm tại 01 xã thuộc huyện Long Đất, việc lựa chọn xã chỉ đạo điểm sẽ do Ủy ban nhân dân huyện Long Đất thực hiện, ưu tiên chọn địa bàn xã có tỷ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Các hoạt động chỉ đạo điểm tại xã bao gồm: Rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; bầu bổ sung, thay thế hòa giải viên ở cơ sở, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên phối hợp, hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở; Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở (tổ chức các lớp tập huấn; cấp phát tài liệu; tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm,...); Xây dựng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”; Hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị cơ quan Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; Đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo điểm; biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân, hòa giải viên ở cơ sở có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm; phổ biến, nhân rộng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở. 
(ii) Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh bảo đảm hoạt động thực chất, hiệu quả như mục tiêu đã đề ra; bổ sung nguồn tập huấn viên là đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân, luật gia, luật sư, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng; Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và phương pháp bồi dưỡng, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh bằng hình thức phù hợp; Biên soạn, phát hành các tài liệu dành cho đội ngũ tập huấn viên pháp luật cấp tỉnh (tài liệu về phương pháp hướng dẫn kỹ năng bồi dưỡng cho hòa giải viên ở cơ sở, bài giảng mẫu, tài liệu hỗ trợ khác).
(iii) Xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở: Chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá, kiện toàn tổ hòa giải, bảo đảm các tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở từ nguồn tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; huy động cán bộ, công chức cấp xã, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm hòa giải viên ở cơ sở; chỉ đạo, tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở, biên soạn, phát hành các tài liệu về kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
(iv) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch. Lồng ghép trao đổi hai chiều giữa báo cáo viên và đại biểu tham dự, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở.
(v) Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hòa giải ở cơ sở: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về vai trò, ý nghĩa, kết quả công tác hòa giải ở cơ sở; gương hòa giải viên giỏi; mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến, cách làm hiệu quả trong công tác này; truyền thông về các quy định pháp luật, kỹ năng, phương pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về hòa giải ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và trên mạng xã hội.
(vi) Thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên tham gia, hỗ trợ cho công tác hòa giải; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở
(vii) Kiểm tra việc thực hiện Đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Đề án.
Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác phối hợp, tổ chức thực hiện Đề án hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả cao,  góp phần ổn định an ninh chính trị địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết trong Nhân dân./.

Đinh Quỳnh Mây
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »