Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp tại Thành phố Vũng Tàu về những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023

15/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Được sự tài trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024. Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về các lĩnh vực pháp lý liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên đề: “Những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 – Tác động của các quy định mới đến cộng đồng doanh nghiệp” sáng ngày 14/11/2024 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lớp tập huấn có sự tham gia giảng dạy của Ths. Hoàng Thị Vân Anh Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tới dự lớp tập huấn có các đại biểu là đại diện Lãnh đạo Sở, ngành liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Người Quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp; Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; Luật sư, Luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thông qua lớp tập huấn, Bồi dưỡng kiến thức, giới thiệu, tập huấn những nội dung của các văn bản, chính sách pháp luật mới liên quan, thiết thực đến doanh nghiệp nhỏ và vừa cho cơ quan, tổ chức, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị, phản hồi từ doanh nghiệp, tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc pháp lý trong thực tiễn triển khai các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các ý kiến và câu hỏi xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đã được giảng viên tiếp thu, giải đáp tất cả các câu hỏi bằng kiến thức chuyên môn và các ví dụ thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của các học viên tham dự. Lớp tập huấn, bồi dưỡng đã giúp cho các học viên hiểu rõ được Những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 – Tác động của các quy định mới đến cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý nhà nước và các học viên tham dự nhằm phản ánh đến các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như các chương trình thiết thực, thực tiễn hơn đối với doanh nghiệp.
Trong quá trình diễn ra lớp tập huấn, bồi dưỡng, các doanh nghiệp cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc pháp lý hiện nay khiến cho doanh nghiệp còn gặp nhiều lúng túng trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, như:
- Quá trình xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chưa có nhiều sự tham gia của doanh nghiệp, dẫn đến việc còn quy định của pháp luật gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chưa phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, pháp luật đã quy định nhưng các cơ quan chức năng chưa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện.
- Hệ thống pháp luật chưa có sự đồng bộ, luôn thay đổi, khó cập nhật, nhiều quy định chồng chéo gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, nhất là trong một số đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai v.v...
- Việc thành lập đơn vị pháp chế doanh nghiệp hoặc bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách còn khó khăn.

-  Kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế, xã hội mới phát sinh, đồng thời phải bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, tránh mâu thuẫn, chồng chéo; hạn chế các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp;
- Trong quá trình xây dựng các chính sách, đặc biệt là các chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, đảm bảo cho các quy định của pháp luật phù hợp với hoạt động thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi điều kiện kinh tế thay đổi.
Tại phiên trao đổi, thảo luận, các doanh nghiệp, tổ chức đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024, tiêu biểu như:
- Cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về các vấn đề pháp lý có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nói lên những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của mình;
- Tăng thêm kinh phí cho việc trả thù lao chuyên gia nhằm thu hút được đội ngũ báo cáo viên có chất lượng, giàu kinh nghiệm;
- Tiếp tục dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp các vướng mắc của học viên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành với các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp trong thực thi pháp luật./.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật 

Xem thêm »