Chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” trong thời gian tới

16/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án 977). Nhằm đánh giá kết quả đạt được, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình, cách làm hay; giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể, gắn với thực tiễn nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án trong thời gian tới, chiều ngày 16/12/2024 tại TP. Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trung ương và đồng chí Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL, Tổ trưởng Tổ Thư ký Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có 150 đại biểu đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức đại diện các đối tượng đặc thù ở trung ương, các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc, đại diện Phòng PBGDPL của các địa phương trên cả nước. Đây là một trong các hoạt động chuyên môn sâu được tổ chức trước thềm Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025 của Bộ Tư pháp.

Phát biểu dẫn đề tại Hội thảo, TS. Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục PBGDPL nhấn mạnh, qua 02 năm triển khai, Đề án đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần trong việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể trong đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của người dân; từ đó nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân đã có những chuyển biến tích cực, người dân đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình và người khác trong xã hội, dần hình thành thói quen, văn hoá sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Sau khi Đề án được ban hành, một số bộ, ngành ở trung ương và 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch để tạo cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Đề án giai đoạn năm 2023 - 2030. Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Đề án 977, hằng năm, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai Đề án; chú trọng công tác quản lý nhà nước thông qua tổ chức các buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực hiện, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tại một số bộ, ngành, đoàn thể và địa phương. Các bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho người dân chủ động tìm hiểu, sử dụng pháp luật; triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân thông qua quán triệt, truyền thông về vai trò, sự cần thiết của pháp luật đối với xã hội, sự cần thiết trong chủ động nghiên cứu tìm hiểu pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng hiểu biết, kỹ năng, nhu cầu tìm hiểu pháp luật, các hình thức, mô hình tiếp cận pháp luật của người dân; cung cấp, hướng dẫn các kiến thức pháp luật cho người dân bằng hình thức phù hợp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được chú trọng thực hiện; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL, hỗ trợ thông tin pháp luật cho người dân và nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của các đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, Đề án tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thực hiện nhiều giải pháp phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện Đề án còn một số khó khăn, hạn chế như chưa nhận được sự quan tâm đồng đều giữa các cấp, các ngành về triển khai Đề án; thậm chí có cơ quan, đơn vị không biết Đề án này; việc triển khai Đề án chưa thực sự quyết liệt theo mà chủ yếu vẫn thực hiện lồng ghép trong các nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị và các chương trình, Đề án khác; lộ trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong 02 năm thực hiện Đề án chưa đảm bảo theo thời gian, tiến độ, sản phẩm công việc đã được quy định. Đặc biệt, hầu hết các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí riêng cho triển khai Đề án.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận và phát biểu trực tiếp của các đại biểu đại diện một số bộ, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc Bộ (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cục Bổ trợ tư pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam...) và địa phương (Cà Mau, Hoà Bình, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tuyên Quang...) đã tập trung trao đổi, thảo luận về mô hình, cách làm hay trong quá trình thực hiện Đề án; phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án và đề xuất giải pháp nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 977 trong thời gian tới. Thông qua các ý kiến tham luận và phát biểu của các đại biểu, đồng chí Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ Thư ký Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đề nghị các đại biểu cần có cách tiếp cận Đề án 977 một cách rõ ràng để tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Việc ban hành và thực hiện Đề án 977 là một giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên Mặt trận thực hiện tốt việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh – Thứ trưởng Bộ Tư pháp,  Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ghi nhận và đánh giá cao các kết quả của bộ, ngành, địa phương đạt được trong 02 năm triển khai Đề án 977. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án 977 nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp; từng bước thực hiện xã hội “thượng tôn pháp luật”, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức và địa phương cần bám sát 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 24 hoạt động cụ thể tại Đề án để tham mưu tổ chức triển khai thực hiện theo hướng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp là nòng cốt, nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò tham mưu của Sở Tư pháp trong triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án; lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm phù hợp, trọng tâm, trọng điểm để triển khai. Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm bố trí kinh phí triển khai hoạt động Đề án; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân./.
 
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »