Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 06 tháng đầu năm 2025 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ

17/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 174/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. trong thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025.

Việc tiếp tục giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, thực hiện “giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Theo đó, tại Nghị quyết số 174/2024/QH15 quy định tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định; chấm dứt ngay hiệu lực của quy định miễn thuế giá trị gia tăng trong Quyết định 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Trong đó quy định giảm thuế giá trị gia tăng  đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hoàng hóa dịch vụ sau:
- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất (Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này).
- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này)
- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin (Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này).
 Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ nêu trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I, tại các khẩu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng. Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 174/2024/QH15 còn giao trách nhiệm của các cơ quan trong triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 8, quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai thi hành luật, nghị quyết mới, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Về quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan trình ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định lâu dài, minh bạch, dễ tiếp cận, thích ứng với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lồng ghép  lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Khẩn trương nghiên cứu, sớm sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa định hướng đổi mới trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính kịp thời chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan; chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổ số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo./.
Thùy Nhung
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »