Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, ngày 20/12/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo về pháp luật phòng, chống tra tấn và các thành tựu của Việt Nam trong thực hiện Công ước chống tra tấn, trong đó tập trung trao đổi về việc xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến về phòng chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hội thảo do đồng chí Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Cục Pháp chế và Cải cách hành chính - Bộ Công an, Vụ Pháp luật hình sự- hành chính, Cục Bồi thường nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội và một số đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, với mục đích xây dựng tài liệu truyền thông để giới thiệu về Công ước chống tra tấn, quá trình nội luật hóa các quy định của Công ước trong pháp luật Việt Nam từ năm 2015 đến nay một cách chính xác, toàn diện, dễ hiểu, dễ sử dụng, Bộ Tư pháp đã xây dựng một Bộ tài liệu lần đầu tiên được ban hành tại Công văn số 365/BTP-PBGDPL ngày 07/02/2020. Tuy nhiên, trải qua gần 04 năm đưa vào sử dụng, đến nay một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được sửa đổi, Việt Nam có nhiều thành tựu, tiến bộ trong nỗ lực thực hiện Công ước chống tra tấn so với giai đoạn trước. Vì vậy, cần nghiên cứu, sửa đổi, chỉnh lý, cập nhật và cân nhắc bổ sung quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống tra tấn như quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở và cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các quy định về bảo vệ các nhóm đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người cao tuổi….
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng thống nhất về sự cần thiết xây dựng, chỉnh lý tài liệu để truyền thông rộng rãi về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Bản khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; Báo cáo quốc gia lần thứ II về thực thi Công ước chống tra tấn; các nỗ lực, thành tựu nổi bật khác của Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống tra tấn. Các đại biểu đã trao đổi và cung cấp nhiều thông tin, số liệu, quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn để bổ sung vào tài liệu phổ biến.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, các ý kiến này là cơ sở quý báu để bộ phận soạn thảo tiếp tục cập nhật, chỉnh lý tài liệu phổ biến về pháp luật phòng, chống tra tấn và thành tựu của Việt Nam trong thực hiện Công ước chống tra tấn trước khi phát hành rộng rãi đến người dân./.
Lại Nhật Quang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật