Giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

07/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 06 tháng 12 năm 2024, tại Hội trường tầng 9 Nhà khách An Bình, số 01 đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Câu lạc Bộ pháp chế doanh nghiệp phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn, Hội nghị đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyên đề: “Những vấn đề mà doanh nghiệp phải tuân thủ và phòng ngừa rủi ro pháp lý trong quản lý, sử dụng người lao động tại doanh nghiệp”.

Tham dự có Lãnh đạo Sở, ngành liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Người Quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp; Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; Luật sư, Luật gia, những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Báo cáo viên PGS.TS Trần Thị Thuý Lâm, Trưởng Bộ môn Luật Lao động, Khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, chủ trì diễn đàn, hội nghị đối thoại.
Thời gian vừa qua, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều loại rủi ro về chính sách: chiến lược kinh doanh, vận hành, điều kiện hoạt động…, mà rủi ro về pháp lý là loại rủi ro liên quan và xuyên suốt đến mọi hoạt động của doanh nghiệp. Để kiểm soát được rủi ro pháp lý sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ hoạt động an toàn, bảo mật, bền vững mà còn đánh giá, tiếp cận được những cơ hội phát triển tiềm năng và tiên phong.
Để góp phần hạn chế và giảm thiểu những rủi ro pháp lý có thể xảy ra, doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận pháp chế giúp nhận diện các mối nguy hại làm phát sinh tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nói chung và bộ phận pháp chế nói riêng cũng cần thiết được chú trọng, tăng cường. Mặc khác, nếu doanh nghiệp có những hạn chế nhất định về nhân sự cũng như về cơ cấu tổ chức. Doanh nghiệp có thể tìm đến sự hỗ trợ, hợp tác từ các đơn vị, tổ chức hành nghề luật sư để cố vấn và cung cấp những giải pháp tối ưu nhất khi xảy ra các vấn đề có liên quan đến pháp luật.
Thực tế cho thấy, những rủi ro về pháp lý luôn tồn tại song song cùng quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, công tác giải quyết cho những vấn đề này cần có sự vững chắc và ổn định lâu dài từ các đơn vị, tổ chức, chuyên gia cố vấn pháp lý để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp. 
Nguyên nhân dẫn đến rủi ro pháp lý doanh nghiệp hiểu một cách thực tiễn là pháp luật điều chỉnh hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Rủi ro pháp lý trong kinh doanh là rủi ro xảy ra bởi các hành vi pháp lý trong quá trình kinh doanh. Khi sự kiện pháp lý xảy ra, doanh nghiệp có nguy cơ thiệt hại về mặt vật chất (tài sản, tiền bạc) hoặc tổn hại tinh thần, mất uy tín, thương hiệu, thậm chí người vi phạm có thể phải chịu hình phạt nghiêm khắc là phạt tù.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro pháp lý phát sinh từ việc không biết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Rủi ro pháp lý khiến cho người liên quan phải đối mặt với các trách nhiệm trước pháp luật, trước nhà nước, thậm chí nặng có thể bị án phạt tù.
Rủi ro pháp lý do vi phạm pháp luật hình sự đây là khả năng doanh nghiệp và/hoặc người quản lý/điều hành/làm việc trong doanh nghiệp vi phạm quy định cấm trong Bộ luật Hình sự dẫn đến bị khởi tố, điều tra, xét xử và phải gánh chịu hình phạt như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân thậm chí tử hình; hình phạt bổ sung là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, chịu sự quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản.
Ví dụ: cấm trốn thuế và các tội trốn thuế, cấm buôn bán hàng giả và tội buôn bán hàng giả, cấm gây ô nhiễm môi trường và tội gây ô nhiễm môi trường…
Rủi ro pháp lý trong xử phạt hành chính, có thể thấy xử phạt hành chính là một loại chế tài nghiêm khắc và phổ biến. Nhà nước thường áp dụng với cá nhân, doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật mà tính chất nguy hiểm chưa đến mức tội phạm. Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Rủi ro pháp lý trong quan hệ với đối tác của doanh nghiệp thường bao gồm các khách hàng, nhà cung cấp, các bên liên doanh, liên kết, hợp tác trong kinh doanh. Quan hệ giữa doanh nghiệp với đối tác là quan hệ dân sự, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm. Rủi ro pháp lý phổ biến khi quan hệ với đối tác là rủi ro trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng.
Ngoài ra, một loại rủi ro đặc thù trong quan hệ đối tác là rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh, đây là loại tài sản vô hình của doanh nghiệp nhưng rủi ro liên quan có thể dẫn đến thiệt hại lớn về uy tín, vật chất, tài sản của doanh nghiệp. Để kiểm soát rủi ro hiệu quả thì cần phân loại và đánh giá đúng bản chất giao dịch với từng nhóm đối tác để nhận diện chính xác mức độ rủi ro, từ đó có các giải pháp ngăn ngừa rủi ro phù hợp.
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm và tìm kiếm lợi nhuận. Doanh nghiệp cần phải hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, trong đó rủi ro về pháp lý là vấn đề khó để giải quyết và có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, bên cạnh những sự kiện khách quan, xảy ra bất ngờ và có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Rủi ro này xuất phát từ yếu tố chủ quan của doanh nghiệp và yếu tố khách quan từ bên ngoài xảy ra trong quá trình hoạt động. Những rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt là: tranh chấp về lao động, bảo hiểm xã hội; tranh chấp về hợp đồng và ngoài hợp đồng; vi phạm hành chính; vi phạm nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội…những rủi ro này phát sinh từ cơ sở những quy định pháp luật. Khi rủi ro pháp lý xảy ra, doanh nghiệp có thể chịu những tổn thất về vật chất khi phải bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Nghiêm trọng hơn, nhiều doanh nghiệp đôi khi còn phải chịu những chế tài từ cơ quan quyền lực nhà nước, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này không những gây thiệt hại đến tài chính mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Nguyên nhân những phát sinh cho những rủi ro trên, chủ yếu do các doanh nghiệp không có thói quen tuân thủ pháp luật cũng như chưa có thói quen sử dụng một đơn vị cố vấn pháp lý riêng. Khi hoạt động, các doanh nghiệp thường thiếu sự chuẩn bị về kiến thức pháp lý có liên quan đến những giao dịch sắp thực hiện. Đây được xem là nguồn gốc chủ yếu cho những rủi ro pháp lý có thể xảy ra. Hơn nữa, tại các doanh nghiệp không thường xuyên bố trí bộ phận nhân sự chuyên ngành để tiên liệu và giải quyết kịp thời, hiệu quả cho những rủi ro liên quan đến pháp lý. Nếu kiểm soát được rủi ro pháp lý sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
                                                                                                 Anh Tú
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »