“Phiên toà giả định” – mô hình PBGDPL cho học sinh, sinh viên được triển khai tích cực, hiệu quả tại nhiều địa phương, trường học

14/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Phiên tòa giả định là một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai thực hiện hướng tới đối tượng học sinh, sinh viên. Cùng với các hình thức giáo dục pháp luật khác tại các trường học, việc PBGDPL bằng hình thức này đã tạo chuyển biến mới trong nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường.

Mô hình phiên toà giả định được thực hiện thông qua hình thức sân khấu hoá, tái hiện lại một phiên toà theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng: thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần xét hỏi, phần tranh luận, nghị án. Các vụ án được lựa chọn tái hiện là được lựa chọn từ những vụ án có thật, được xây dựng dựa theo những tư liệu trong thực tiễn xét xử thực tế tại địa phương xoay quanh những chủ đề pháp luật gần gũi với đối tượng học sinh, sinh viên như: An toàn giao thông, bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, bạo lực gia đình, phòng, chống mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy,…

 

Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn đối với các em học sinh, giáo viên và những người tham dự. Các “vai diễn”, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn đảm bảo phù hợp với tâm lý, sự hiểu biết pháp luật của đoàn viên thanh niên tham dự tại phiên tòa. Bên cạnh đó, phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, các ý kiến của Hội đồng xét xử đã giúp các em học sinh cùng những người tham dự phiên tòa nhận thức rõ, hành vi sai phạm của bản thân ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Cùng với đó, mô hình này còn giúp các em học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính "hướng thiện" trong chính sách hình sự của nước ta đối với những người đã phạm tội thông qua.

Bên cạnh việc tái hiện lại quy trình của một phiên toà thực tế, tại các phiên toà giả định đã tập trung phân tích các tình tiết, tính chất, hành vi phạm tội của các bị cáo, giúp cho các em học sinh, sinh viên và những người tham dự hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật. Trong khuôn khổ chương trình, ban tổ chức còn lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật qua hình thức giao lưu trả lời câu hỏi về những tình huống vi phạm pháp luật thường xảy ra, giúp sinh viên hình thành những kỹ năng cần thiết trong nhận biết các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

 
 

Tại các địa phương, mô hình phiên toà giả định có sự chung sức, tổ chức của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn từ các ngành toà án, kiểm sát, công an, tư pháp nhằm tái hiện lại một phiên toà thực tế nhưng cũng phải đảm bảo tính chuyên môn của hoạt động này. Tại nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học có nhóm ngành đào tạo về luật, mô hình phiên toà giả định cũng được tổ chức để các bạn sinh viên có cơ hội thực hành những kiến thức được học tại trường trong các vai trò thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, thư ký toà án. Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, mô hình phiên toà giả định được các bạn sinh viên đến từ Câu lạc bộ Luật Gia trẻ tổ chức hằng năm nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên trong trường được trải nhiệm và thực hành thực tế các kỹ năng để tập sự trở thành những thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong tương lai.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình phiên toà giả định đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của các em học sinh. Thay vì phải nhớ những điều, khoản, quy định một cách máy móc, khô khan, các em sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó biết cách phòng tránh. Hiệu ứng tích cực mà phiên tòa giả định mang lại không chỉ ở nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, mà qua đó còn tạo ra những tuyên truyền viên tích cực là những đoàn viên, thanh niên để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đánh giá về mô hình phiên toà giả định, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nhận định “Phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Theo đánh giá của các em học sinh, sinh viên tham dự các phiên toà giả định, đây là một mô hình hay. Thay vì đối diện với những kiến thức pháp luật, những điều luật khô khan trên những trang giấy, các em được tiếp xúc với những kiến thức này một cách chủ động, sinh động và trực quan hơn thông qua các phiên toà giả định, giúp các em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ những hậu quả và hình phạt đối với người vi phạm luật, từ đó tuân thủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh việc xem các chuyên gia tái hiện lại một phiên toà, các em học sinh cũng được hoá thân trực tiếp vào các vị trí thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, những người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Đây cũng là một hình thức giáo dục hướng nghiệp cho các em trên ghế nhà trường.

Không chỉ đối với đối tượng học sinh, sinh viên trong các trường học, mô hình phiên tòa giả định” cũng phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Đây là là hình thức phổ biến mang tính trực quan, sinh động giúp người được phổ biến tiếp thu nội dung pháp luật một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ; là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật của đối tượng được phổ biến.

Cùng với những mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật khác trong nhà trường như lồng ghép sinh hoạt pháp luật với sinh hoạt dưới cờ, tiết học pháp luật, cổng trường an toàn giao thông,…đang được triển khai tại nhiều trường học trên cả nước, mô hình phiên toà giả định đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường nói riêng và công tác phổ biến, giáo dục nói chung, từ đó góp phần hình thành ý thức pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường cho các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước./.

Hồng Hạnh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »