Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights – viết tắt là ICESCR) là một trong hai công ước trụ cột về nhân quyền (bên cạnh Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị) và là một cấu phần của Bộ luật Nhân quyền quốc tế (bao gồm hai công ước này và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền). Trong các quyền được quy định tại ICESCR, quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số là một trong những quyền chứa đựng nhiều yếu tố đặc thù và phản ánh rõ nhất những yếu tố “riêng biệt” trong các quyền con người của người dân tộc thiểu số. Điều 13, 14, 15 của ICESCR và Điều 2 Tuyên bố về Quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ năm 1992 đã khái quát quyền văn hóa của người dân tộc thiểu số bao gồm 2 khía cạnh: quyền của mỗi cá nhân được tham gia vào đời sống văn hóa, hưởng lợi ích từ nền văn hóa đó mà không bị can thiệp bởi bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào; được tham gia một cách tích cực vào đời sống văn hóa tôn giáo, xã hội, kinh tế và đời sống cộng đồng.
Là một quốc gia có nhiều dân tộc thiểu số, trên quan điểm mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, Việt Nam đặc biệt coi trọng các chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước, cụ thể bằng việc Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo đảm, thúc đẩy quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Ngoài ra, Điều 41 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa”. Tiếp đó, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền được tham gia vào các hoạt động của đời sống văn hóa và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của người dân tộc thiểu số như: Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 05/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”; Quyết định số 2493/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 – 2020”; Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 03/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có đề ra mục tiêu đến năm 2025: “Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng”... Đồng thời, Việt Nam đã lấy ngày 19/4 hàng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam nỗ lực bảo tồn tiếng nói, chữ viết và các không gian văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo hằng năm đều quan tâm chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương lồng ghép các tiết học về giữ gìn, truyền thống bản sắc, văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục các cấp, biên soạn các bộ sách giáo khoa và thực hiện dạy thực nghiệm bằng tiếng dân tộc. Việt Nam nỗ lực bảo tồn không gian văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận như: cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật gốm của người Chăm, các điệu múa cổ truyền của các dân tộc Tày, Thái, Nùng. Các đài phát thanh, truyền hình địa phương không ngừng nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc miền núi, vùng cao thông qua việc tăng số lượng đài phát thanh và thời lượng phát sóng các chương trình nhiều thứ tiếng dân tộc; phản ánh các mặt hoạt động, nét văn hóa đặc trưng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cũng như phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam./.
Lại Nhật Quang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật