Ủy ban Dân tộc tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

29/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Sáng ngày 29/11/2024, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Quyết định ban hành Khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Ủy ban Dân tộc với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Ủy ban Dân tộc, nguyên Lãnh đạo Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc, nguyên Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cùng đại diện Lãnh đạo Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp và các công chức thuộc Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc.

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp nhấn mạnh việc đánh giá hiệu quả công tác cần khắc phục tính hình thức, tập trung đánh giá, lượng hóa kết quả đầu ra của hoạt động PBGDPL và tác động của hoạt động PBGDPL tới ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thỉ số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” (Đề án 979), Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL với cách tiếp cận mới (Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL), trong đó lấy đầu ra của công tác PBGDPL làm trọng số để đánh giá hiệu quả công tác này. Trên cơ sở Khung tiêu chí chung được Bộ Tư pháp ban hành, Ủy ban Dân tộc xây dựng, ban hành Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế của ngành mình. Theo đó, Tiêu chí riêng phải cụ thể hóa các tiêu chí trong Tiêu chí chung thành các mức độ hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt mục tiêu (theo dự kiến) và điểm số tương ứng. Tùy vào yêu cầu đặc thù của hoạt động PBGDPL được lựa chọn, Ủy ban Dân tộc có thể bổ sung các chỉ tiêu trong Tiêu chí riêng để cụ thể hóa và bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan hoạt động PBGDPL thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý…
Đồng chí Trần Văn Tuỳ, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, PBGDPL (Cục PBGDPL) đã chia sẻ cách thức tiếp cận trong xây dựng Tiêu chí riêng thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL của Ủy ban Dân tộc nhằm khắc phục những hạn chế trong cơ chế đánh giá hiệu quả theo các quy định hiện hành. Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả PBGDPL trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về công tác PBGDPL và lượng hóa kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL cụ thể. Tùy theo yêu cầu và đặc thù của công tác PBGDPL và đối tượng đánh giá, Ủy ban Dân tộc chủ động xây dựng các Tiêu chí riêng mang tính đặc thù để phục vụ hoạt động đánh giá trong thời gian tới.
Cục PBGDPL cũng đã chia sẻ, góp ý cụ thể đối với dự thảo Tiêu chí riêng đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL của Ủy ban Dân tộc. Theo đó, căn cứ vào Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc bổ sung cụ thể đối tượng, lĩnh vực pháp luật, hình thức PBGDPL cụ thể và phạm vi thời gian, địa bàn đánh giá thí điểm.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã chia sẻ một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của các bộ, cơ quan ngang bộ như: Tiêu chí về mức độ bảo đảm nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL; tiêu chí về mức độ xã hội hóa; tiêu chí về so sánh mức kinh phí của năm đánh giá so với năm trước... Đối với xây dựng các Tiêu chí riêng, Vụ Pháp chế cũng trình bày một số cách tiếp cận trong việc cụ thể hóa các tiêu chí trong Khung tiêu chí chung. Theo đó, việc xây dựng các Tiêu chí riêng của Ủy ban Dân tộc sẽ cho phép áp dụng với mọi hoạt động PBGDPL cụ thể do các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện. Trên cơ sở các chỉ tiêu và điểm số trong Khung tiêu chí chung, Vụ Pháp chế sẽ cụ thể hóa thành các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với đặc thù. Đối với đối tượng đánh giá, nhất trí như ý kiến của Cục PBGDPL sẽ lựa chọn trong số các đối tượng như: Công chức, viên chức trong ngành, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc thiểu số…
Chia sẻ với các ý kiến về xây dựng các tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL, Cục PBGDPL và các đại biểu tham dự Tọa đàm đều hiểu thống nhất quan điểm việc đánh giá không phục vụ việc thi đua, khen thưởng, đánh giá xếp loại mà là căn cứ để xác định kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác PBGDPL của từng cơ quan, đơn vị và địa phương, từ đó đề ra giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác PBGDPL.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đã góp ý cụ thể đối với dự thảo Quyết định nêu trên, như: Cách thiết kế thang điểm, đề nghị rà soát thống nhất các tỷ lệ % đạt/hoàn thành nhiệm vụ theo hướng đạt/hoàn thành 100% thì đạt điểm tối đa; bổ sung, chỉnh lý, thiết kế các thang điểm tương ứng bảo đảm mỗi thang điểm liền kề cách nhau tỷ lệ (hoàn thành/đạt) là 10%; đồng thời không tính điểm đối với những chỉ tiêu hoàn thành/đạt dưới 50%; đề nghị xác định cụ thể luôn “các Vụ, đơn vị của UBDT khi thực hiện nhiệm vụ PBGDPL” để tạo sự chủ động cho các đơn vị khi xây dựng, thực hiện Kế hoạch PBGDPL, cũng như tập trung nguồn lực cho việc đánh giá hiệu quả bảo đảm khả thi…./.
M.T
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

 
 

Xem thêm »