Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In
Gửi email
Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của ĐảngMột trong ba đột phá chiến lược được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách”. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ ra trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh”, “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”.Theo tinh thần trên, công tác thi hành pháp luật đang đứng trước những yêu cầu cấp bách của sự đổi mới và trở thành một nội dung trọng tâm trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với vai trò là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng đang được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, yêu cầu tính thực chất, hiệu quả.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW) xác định rõ mục tiêu “đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”; đồng thời đề ra một trong các nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp và pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; “tiếp tục đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật”... “đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thi hành pháp luật.
Để triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tăng cường tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
- Trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên cơ sở bám sát định hướng đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn xác định việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PBGDPL một cách thực chất hơn nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, Bộ Tư pháp đều tham mưu trình Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ban hành theo các kế hoạch, văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL trên phạm vi toàn quốc, trong đó xác định rõ yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong điều kiện hiện nay là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW[1].
- Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL được phát huy; hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương được tăng cường, chặt chẽ. Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu các giải pháp đổi mới công tác PBGDPL theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó tập trung triển khai các Đề án PBGDPL mới, gồm: Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”[2], Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”[3], Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”[4]; Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 – 2030”[5]. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia để đưa vào vận hành chính thức), đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm trong, ngoài nước về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL và xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030” để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024; chú trọng thực hiện PBGDPL về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm (triển khai hoạt động điểm của các Đề án PBGDPL tại cơ sở như: tổ chức các hội nghị PBGDPL cho người dân huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; biên soạn các tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, tiểu phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân…); rà soát, nghiên cứu để hướng dẫn nhân rộng các mô hình PBGDPL có hiệu quả tại cơ sở, trong đó có mô hình tự quản.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh, cấp huyện đều ban hành kế hoạch riêng triển khai công tác PBGDPL, triển khai các văn bản, đề án nêu trên, các văn bản, đề án trong phạm vi lĩnh vực quản lý[6]; tập trung ưu tiên các hoạt động PBGDPL cho đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh... Nội dung PBGDPL được đổi mới theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; tập trung triển khai các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… Một số địa phương chủ động ban hành văn bản hướng dẫn phổ biến vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn, lựa chọn nội dung PBGDPL theo định kỳ từng quý, tháng[7].
- Bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống, nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả về PBGDPL, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng triển khai đạt hiệu quả cao, điển hình như: thành lập các fanpage để cung cấp thông tin pháp luật[8]; hệ thống truyền thanh cơ sở; xây dựng các Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL hoặc chuyên mục về PBGDPL trên các Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương[9]. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật cũng trở thành hoạt động nền nếp, được triển khai hàng năm với nội dung và hình thức phong phú, đa dang, thiết thực…
Công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, huy động được sự tham gia của các lực lượng ở cơ sở. Từ năm 2023 đến nay, các địa phương đã tổ chức 676.606 cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (năm 2023: 422.233 cuộc; 5 tháng đầu 2024: 254.273 cuộc) cho hơn 60 triệu lượt người (năm 2023: hơn 36 triệu lượt; 5 tháng đầu 2024: 24.091.370 lượt); tổ chức 13.955 cuộc thi tìm hiểu pháp luật (năm 2023: 10.493 cuộc; 5 tháng đầu 2024: 3.462 cuộc) cho hơn 15.615.952 lượt người dự thi (năm 2023: 12.172.853 lượt; 5 tháng đầu 2024: 3.443.099 lượt); phát hành 64.951.361 tài liệu PBGDPL (năm 2023: 46.396.248 tài liệu; 5 tháng đầu 2024: 18.555.113 tài liệu), trong đó có 3.351.056 tài liệu đăng tải trên Internet (năm 2023: 823.117 tài liệu; 5 tháng đầu 2024: 2.527.939 tài liệu).
- Công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật[1] được Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, với hình thức phong phú, đa dạng[2]; huy động được sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và luật sư, luật gia, nhà khoa học tham gia góp ý, phản biện dự thảo chính sách. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc bảm đảo tính minh bạch, hợp lý, tăng cường chất lượng, tính khả thi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành.
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được tập trung đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các quy định của pháp luật cũng như góp phần táo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp trên thực tế. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng trung ương tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 (ngày 09/10/2024) dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL trung ương với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là sự kiện pháp lý quan trọng, đã tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa rộng lớn, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, nhận được sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí...
Để triển khai kịp thời hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư trong thời gian tới, công tác PBGDPL cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục xác định việc phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Hiến pháp, pháp luật, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác PBGDPL theo Nghị quyết 27-NQ/TW là nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL. Đồng thời, cần tăng cường, đổi mới công tác truyền thông dự thảo chính sách nhằm góp phần nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Chú trọng việc phổ biến, truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩ của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, là một bộ phận không thể tách rời của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ hai, xác định Nhà nước giữ vai trò nòng cốt để xây dựng, thiết lập các điều kiện cần thiết giúp người dân có thể tiếp cận, chủ động chấp hành, tuân thủ, sử dụng pháp luật. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm thực hiện PBGDPL của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị khi thi hành công vụ cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước trong việc tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức, cách thức triển khai thực hiện bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, chú trọng đối tượng đặc thù; bám sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, các vấn đề nổi cộm. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật. Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác PBGDPL. Đẩy mạnh việc truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tạo đồng thuận xã hội, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, coi đây là tiền đề trong việc giáo dục, hình thành ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của các công dân tương lai.
Thứ tư, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong chỉ đạo, định hướng triển khai công tác PBGDPL, nhất là trong các lĩnh vực, địa bàn, đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành; tăng cường trách nhiệm của thành viên Hội đồng trong chỉ đạo PBGDPL về ngành, lĩnh vực được giao quản lý, nhất là các văn bản, đề án Thủ tướng Chính phủ mới ban hành. Gắn kết công tác PBGDPL với công tác tuyên giáo, dân vận của hệ thống chính trị, công tác vận động quần chúng và các cuộc vận động, các phong trào xã hội rộng lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát động để phát huy đầy đủ nhất vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tập hợp, vận động Nhân dân học tập, tìm hiểu, tuân theo pháp luật.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL. Thực hiện tốt công tác thông tin pháp luật để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia văn bản quy phạm pháp luật (trung ương và địa phương); đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và các cơ sở dữ liệu thông tin về pháp luật khác. Cung cấp đầy đủ các thông tin pháp luật trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Trọng tâm trong thời gian tới là tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Thứ sáu, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ tham mưu công tác PBGDPL; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chuyên sâu, chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, yếu thế; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề luật như luật sư, luật gia. Có chính sách ưu tiên sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL.
Thứ bảy, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL, trọng tâm là chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; kiểm tra, sơ kết, tổng kết, xây dựng, nhân rộng các cách thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả; biểu dương, tôn vinh các gương sáng trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Nghiên cứu thiết lập cơ chế nắm bắt thông tin, thực hiện phản biện xã hội trong quá trình tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách, PBGDPL để kịp thời phát hiện những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập, quy định chưa phù hợp trong quá trình xây dựng, thực thi chể chế, chính sách, từ đó đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.
Thứ tám, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp về ngân sách, tài chính phục vụ công tác PBGDPL theo hướng coi công tác PBGDPL là những hoạt động đặc thù mang tính mục tiêu, chú trọng hướng về cơ sở, các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các vấn đề pháp luật cấp bách cần được phổ biến, quán triệt ngay theo nhu cầu của người dân hoặc yêu cầu từ quản lý nhà nước. Tăng cường đa dạng hóa nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL; có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; tích cực thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác PBGDPL./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, quy định việc thực hiện truyền thông nội dung cơ bản của dự thảo văn bản là một khâu bắt buộc của hoạt động xây dựng VBQPPL; đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngành bộ, UBND cấp tỉnh trong xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải tổ chức truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức phù hợp khác về các vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, có nhiều ý kiến khác nhau và tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo thêm kênh thông tin để tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định trong đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, tính khả thi của VBQPPL.
[2] Như: Xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông với nhiều hình thức, ngắn gọn, dễ hiểu để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách; tổ chức truyền thông thông qua báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang Thông tin điện tử và mạng xã hội; các hội nghị góp ý, phản biện chính sách; các thiết chế ở cơ sở, các loại hình văn hóa cơ sở...
[1] Các Quyết định số: số 15/QĐ-HĐPH ngày 15/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2023; số 51/QĐ-HĐPH ngày 04/4/2024 phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2024. Công văn số số 573/HĐPH-PBGDPL ngày 31/01/2024 về việc hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024...
[2] Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[3] Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[4] Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[5] Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ
[6] Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 – 2027”, Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 – 2027”; Chương trình “Tăng cường công tác PBGDPL trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2027”...
[7] Bắc Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Quảng Bình…
[8] Một số địa phương đã thành lập fanpage như: Lào Cai, Bắc Kạn, Đồng Nai, Tuyên Quang, Quảng Trị, Bạc Liêu, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hà Nội, Bình Định, Cao Bằng…
[9] 06 địa phương đã vận hành Cổng Thông tin điện tử về PBGDPL (Bắc Kạn, Hậu Giang, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên và Vĩnh Long); 40 địa phương đã vận hành Trang Thông tin điện tử về PBGDPL (An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nghệ An, Ninh Bình, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái); 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình...; các bộ, ngành có chuyên trang, chuyên mục như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng...