Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật: Một số kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy

22/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đang được Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, khẩn trương đã nhận được đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là chủ trương lớn, là bước ngoặt, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Tư pháp, Cục PBGDPL đã thực hiện tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18-NQ/TW) tại báo cáo số 108/BC-PBGDPL ngày 29/11/2024 với nhiều kết quả ấn tượng như sau:

1. Về công tác quán triệt, tuyên truyền
Thủ trưởng đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Chi ủy tổ chức quán triệt, triển khai và phổ biến đầy đủ nội dung các văn bản đến “đổi mới tổ chức bộ máy, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” quy định tại các Nghị quyết số: 18, 19-NQ/TW, 56/2017/QH14, 08/NQ-CP… đến toàn thể đội ngũ công chức, đảng viên trong đơn vị và được lồng ghép tại các cuộc họp Chi bộ, giao ban công tác Cục hàng tháng. Năm 2022, Cục PBGDPL đã xây dựng báo cáo sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong toàn đơn vị.
2. Về hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức
          Giai đoạn năm 2017-2023: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Vụ PBGDPL chủ trì phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng trình Bộ trưởng ban hành Quyết định số 1159/QĐ-BTP ngày 23/5/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ PBGDPL thay thế Quyết định số 1663/QĐ-BTP ngày 15/7/2014. Theo đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của Vụ được điều chỉnh giảm, từ 04 Phòng còn 03 Phòng.          Giai đoạn chuyển đổi mô hình sang Cục PBGDPL (từ tháng 6/2023 đến nay): Triển khai thực hiện Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, Vụ PBGDPL được chuyển đổi mô hình từ Vụ sang Cục và hoạt động theo Quyết định số 996/QĐ-BTP ngày 09/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PBGDPL.  Về tổ chức bộ máy của Cục, gồm có 03 Phòng kế thừa từ tổ chức của Vụ PBGDPL.  3. Về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Là đơn vị thuộc Bộ, Cục PBGDPL được giao chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với việc chuyển đổi mô hình tổ chức bộ máy từ Vụ sang Cục đã góp phần thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân cấp trong quản lý nhà nước, tạo sự linh hoạt, nhanh nhạy trong hoạt động của đơn vị. Điều đó thể hiện qua các nhiệm vụ giao Cục PBGPDL trực tiếp thực hiện như: Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; hướng dẫn chuyên môn, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương; tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; quản lý, vận hành, nâng cấp Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia...
Thủ trưởng đơn vị cũng thực hiện theo sự phân cấp, phân quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cụ thể, Cục trưởng ký thừa lệnh Bộ trưởng văn bản trả lời kiến nghị về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Cục, văn bản góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản khác gửi các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Về công tác tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục PBGDPL đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ về công tác cán bộ như tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, quản lý sử dụng công chức…đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Cục trưởng đã phân công, phân cấp rõ ràng, đề cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của các Phòng, các công chức. Trên tinh thần, một Phòng, một người được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ nhưng mỗi nhiệm vụ chỉ do một Phòng, một người chịu trách nhiệm chủ trì, Cục trưởng Cục PBGDPL đã ban hành Quy chế làm việc của Cục, phân công nhiệm vụ giữa các Lãnh đạo Cục để nâng cao tính chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm được phân công.
4. Về tiếp tục kiện toàn tổ chức bên trong của đơn vị theo hướng tinh gọn
Thực hiện Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, Cục PBGDPL được thành lập Phòng để tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của Cục. Cụ thể, Cục có 04 Lãnh đạo Cục: Cục trưởng và 03 Phó Cục trưởng. Về các đơn vị trực thuộc, Cục có 03 phòng; các phòng có chức năng quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực gắn đối tượng quản lý riêng biệt.  
5. Về quản lý biên chế
Cục đã trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 và Kế hoạch tinh giản biên chế năm 2024, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc thống kê và báo cáo về biên chế theo chỉ đạo của Bộ và yêu cầu của Vụ Tổ chức cán bộ.
Đội ngũ công chức của Cục được đào tạo cơ bản, đều có trình độ từ đại học trở lên, nhiều người có trình độ chuyên môn sâu. Hàng năm, Cục PBGDPL đã cử từ 20-40 lượt công chức/năm tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện các tiêu chuẩn về chức danh cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các công chức trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của lãnh đạo Cục phụ trách và lãnh đạo Phòng chuyên môn. Mỗi công chức đều đảm nhận những mảng công tác, lĩnh vực chuyên sâu và nhiều công việc thường xuyên, đột xuất khác do lãnh đạo Cục và lãnh đạo Phòng giao căn cứ vào nhu cầu công việc của Cục và của Phòng. Các công chức giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm được giao, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp trong công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc. Vì vậy, đa số các công chức trong Cục đều triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra, đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ được giao.
6. Về vị trí việc làm
Cục PBGDPL có tổng số 18 vị trí việc làm bao gồm 06 vị trí lãnh đạo, quản lý, 03 vị trí công chức nghiệp vụ chuyên ngành, 08 vị trí công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung và 01 vị trí hỗ trợ, phục vụ. Đồng thời, Cục đã xây dựng chi tiết Bản mô tả cho từng vị trí việc làm với các yêu cầu, tiêu chí cụ thể, đúng quy định pháp luật.
Cục đã tiến hành rà soát lại tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức; xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục; tạo thế chủ động để Cục phân công, giao việc cho từng chức danh phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng cá nhân, tránh tình trạng định sẵn nhân sự rồi mới tạo ra công việc và tránh sự chồng chéo khi phân công, giao việc, khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực thời gian qua. Thông qua việc sắp xếp vị trí việc làm phù hợp với công chức và các sản phẩm cụ thể trong triển khai nhiệm vụ đã giúp lãnh đạo Cục có đánh giá, nhận xét về chất lượng công chức được chính xác, thực chất.
Sau 7 năm triển khai thực hiện, bám sát chủ trương đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, chức năng quản lý của Cục PBGDPL thể hiện đa lĩnh vực, từ công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, gần đây là quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và quản lý nhà nước về công tác tổ chức truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở các Nghị định và Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục PBGDPL qua các nhiệm kỳ Chính phủ, có thể thấy về phạm vi, nội dung quản lý nhà nước đối với lĩnh vực của Cục PBGDPL có sự thay đổi qua các nhiệm kỳ Chính phủ theo hướng tăng khối lượng các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, mở rộng phạm vi quản lý nhà nước từ lĩnh vực PBGDPL, hòa giải ở cơ sở đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và quản lý nhà nước về công tác tổ chức truyền thông nội dung cơ bản của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy có sự gia tăng về số lượng nhiệm vụ đảm nhận, nhưng Cục vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức bên trong để đáp ứng với mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn bộ máy./.
Hoàng Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »