Một số kết quả nổi bật trong triển khai Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” của Bộ Tư pháp năm 2024

26/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” (Đề án). Theo đó, trong năm 2024, việc triển khai thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể như sau:

Chú trọng quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi tình hình thực hiện Đề án
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã tham mưu ban hành 02 Công văn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức có liên quan về việc tổ chức phổ biến Luật Đất đai năm 2024 và đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”[1]. Cục PBGDPL đã tham mưu tổ chức 09 tọa đàm, buổi làm việc nhằm đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, một số bộ, ngành, tổ chức ở trung ương, địa phương[2]. Đồng thời, tham mưu tổ chức thành công Hội thảo đánh giá tình hình triển khai và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì.
Triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân
Công tác thông tin, truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của người dân về ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật; vai trò của công tác trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý… trên các chuyên mục, kênh phát thanh, kênh truyền hình của các Báo, Đài được quan tâm triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Cục PBGDPL đã tổ chức Hội thảo “Pháp luật và giới trẻ” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hội thảo đã có sự tham dự của các diễn giả và đại biểu là những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng rộng trong cộng đồng[3]. Hội thảo đã góp phần lan tỏa tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nâng cao ý thức chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của người dân nói chung và đặc biệt là các bạn trẻ nói riêng một cách sâu rộng, hiệu quả tích cực hơn. Cục Công nghệ thông tin đã tăng cường sản xuất, đăng tải các tin, bài để phản ánh, thông tin kịp thời về tình hình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực, phạm vi do Bộ Tư pháp quản lý và các chính sách có tác động lớn đến xã hội trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, các nền tảng mạng xã hội; truyền thông biểu dương các mô hình thiết thực, hiệu quả, các tấm gương người tốt, việc tốt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Việc cung cấp, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng tìm hiểu, khai thác pháp luật cho người dân bằng hình thức phù hợp, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hoạt động của Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia được đẩy mạnh thực hiện. Cục PBGDPL đã chủ trì xây dựng 02 video bài giảng điện tử nhằm giới thiệu những nội dung cơ bản, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024; quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai năm 2024; xây dựng một số tài liệu PBGDPL (tờ gấp/infographic, hỏi đáp pháp luật…) cung cấp kiến thức pháp luật, hướng dẫn người dân kỹ năng tra cứu, khai thác, tìm hiểu pháp luật. Nhiều tin, bài về chính sách pháp luật mới, tập trung các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được đăng tải trên Cổng Thông tin PBGDPL quốc gia; Fanpage và Zalo “Phổ biến, giáo dục pháp luật” bảo đảm phù hợp với yêu cầu công nghệ số, xã hội số hiện nay.
Các đường dây nóng, các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân tại Bộ Tư pháp được Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Thanh tra Bộ, Cục Công nghệ thông tin củng cố, thực hiện thường xuyên, có cán bộ thường trực trực tiếp tiếp nhận, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Việc tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh của người dân được thực hiện kịp thời, đúng thời hạn.
Triển khai mô hình nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại địa phương chọn điểm: Cục PBGDPL đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá chọn điểm Trường THCS Nga Thuỷ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá để triển khai mô hình điểm. Trong đó trọng tâm là tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng kiến thức pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cho trẻ em. Hội nghị được tổ chức vào giờ chào cờ đầu tuần, được Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh đánh giá cao tính hữu ích, hiệu quả, thiết thực. Nhằm đánh giá kiến thức mà các em học sinh tiếp thu được, cuối chương trình tập huấn, Ban Tổ chức đã tổ chức gameshow để các em trả lời các câu hỏi pháp luật có liên quan về bảo vệ môi trường. Nhiều em học sinh đã trả lời đúng và nhận được phần quà của Ban Tổ chức.
Bên cạnh đó, việc đổi mới hình thức PBGDPL, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực THADS, thi hành án hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp chủ động tiếp cận được các thông tin pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đã được Tổng cục THADS chú trọng triển khai.
Triển khai các nhiệm vụ nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp
Tổng cục THADS và Thanh tra Bộ đã tham mưu triển khai công tác tiếp công dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân bảo đảm đúng quy định. Trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Bộ đã hướng dẫn công dân thực hiện đúng các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các luật chuyên ngành khác để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Bộ đều thực hiện các thủ tục đối thoại theo quy định của pháp luật để bảo đảm người dân và người giải quyết khiếu nại có thể trao đổi làm rõ các thông tin về các nội dung khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đều được công khai theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2024, Cục PBGDPL đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại 03 địa phương (Bình Phước, Đắk Nông và Bến Tre). Tại các đoàn kiểm tra công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục PBGDPL cũng kết hợp kiểm tra, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Bên cạnh đó, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên ở cơ sở, trợ giúp viên pháp lý… đã được các đơn vị thuộc Bộ như Cục PBGDPL, Cục Trợ giúp pháp lý triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, hỗ trợ thông tin pháp luật cho người dân.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật
Nhằm phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thực hiện hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin pháp luật, Cục PBGDPL đã tổ chức các Tọa đàm, buổi làm việc chuyên đề với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam để nắm bắt tình hình, định hướng việc triển khai thực hiện Đề án. Đặc biệt, Cục PBGDPL đã chủ trì, phối hợp với Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị tập huấn và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác PBGDPL cho người khuyết tật. Các vấn đề được nêu và trao đổi tại Hội nghị được các đại biểu đánh giá cao, góp phần cung cấp kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ là Lãnh đạo, đại diện của các tổ chức liên quan đến người khuyết tật của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, góp phần thực hiện tốt hơn công tác PBGDPL cho người khuyết tật trong thời gian tới.

Các hoạt động triển khai thực hiện Đề án trong năm 2024 nêu trên đã mang lại hiệu quả tích cực, có tác động, gắn với lĩnh vực quản lý của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như công tác tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, tiếp cận thông tin, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng mô hình nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho trẻ em.... và tạo điểm nhấn như Hội thảo “Pháp luật và giới trẻ”. Hội thảo đã thu hút các khách mời là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong cộng đồng tham gia, góp phần lan toả tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Có thể khẳng định, việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án năm 2024 cơ bản hoàn thành theo Kế hoạch đề ra, góp phần bảo đảm, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp; từng bước thực hiện mục tiêu “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Công văn số 1909 và 1910/HĐPH-PBGDPL  ngày 16/4/2024
[2] Làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan; làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và 03 địa phương: Nam Định TP.  Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh
[3] Hoa hậu thế giới Việt Nam năm 2019 Lương Thùy Linh; Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 – Huỳnh Trần Ý Nhi; Á hậu 2 Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 – Huỳnh Minh Kiên; các thí sinh tham dự Cuộc thi Nam vương Thế giới Việt Nam năm 2024 (Mr. World 2024).

Xem thêm »