Nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với với tỷ lệ tán thành cao. Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều (giảm 02 chương và 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014).
Để kịp thời triển khai các quy định của Luật Công chứng năm 2024 và đưa Luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 03/01/2025, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số Quyết định số 12/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng.
Luật Công chứng 2024 với nhiều điểm mới nổi bật
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, tạo thuận lợi cho việc ký kết các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, Luật Công chứng năm 2024 đã khẳng định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện; bbổ sung quy định nhằm xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch. Như vậy, mặc dù công chứng viên được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng, tuy nhiên có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể; đồng thời quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng (khoản 1 Điều 12); bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10, 16, 17). Đồng thời, Luật có quy định chuyển tiếp, theo đó công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Để bảo đảm tốt hơn quyền và trách nhiệm hành nghề của công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 có một số điểm mới sau đây bổ sung 01 hình thức hành nghề mới là công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Phòng công chứng (Điều 38); quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập và trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động nhằm cá thể hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm cho cả tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và cá nhân có liên quan (Điều 40). Đối với thủ tục chung về công chứng giao dịch, Luật Công chứng năm 2024 bổ sung một số loại giao dịch về bất động sản mà khi thực hiện công chứng thì không phải theo thẩm quyền địa hạt phù hợp với tính chất của giao dịch (Điều 44); bổ sung quy định cho phép người yêu cầu công chứng được thoả thuận với tổ chức hành nghề công chứng về thời hạn công chứng trong một số trường hợp cụ thể để vừa bảo đảm quyền của người yêu cầu công chứng vừa không tạo sự cứng nhắc trong thủ tục công chứng (khoản 2 Điều 45); quy định rõ hơn về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở để vừa bảo đảm nguyên tắc công chứng tại trụ sở vừa tạo sự linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn (khoản 2 Điều 46)... Đối với thủ tục công chứng một số giao dịch cụ thể, Luật Công chứng năm 2024 quy định rõ việc công chứng những giao dịch cụ thể trước hết phải tuân thủ thủ tục chung, sau đó mới tính đến các yếu tố đặc thù tương ứng đối với từng loại giao dịch (Điều 53)... Luật cũng bổ sung 04 điều mới (Điều 62 đến 65) quy định những vấn đề cơ bản nhất về công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng. Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Công chứng năm 2024 là việc thực hiện chủ trương đổi mới tư duy lập pháp, thể hiện qua việc không quy định trong Luật mà giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên, miễn nhiệm công chứng viên...; lược bỏ các quy định về quản lý nhà nước về công chứng và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại và giải quyết tranh chấp.
Kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai Luật Công chứng
Ngày 03/01/2025, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số Quyết định số 12/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng. Kế hoạch đã xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ tổ chức triển khai thi hành Luật Công chứng mà Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp thực hiện; xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai thi hành Luật Công chứng. Đồng thời, Kế hoạch cũng yêu cầu phải bám sát nhiệm vụ được giao tại Luật Công chứng; bảo đảm tiến hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm; xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc triển khai thi hành Luật Công chứng; Đồng thời, phải bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Công chứng; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch; có lộ trình cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Công chứng bảo đảm từ ngày 01/7/2025, Luật Công chứng được thực hiện thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Các nội dung chính của Kế hoạch bao gồm: Tổ chức quán triệt việc thi hành, phổ biến và tập huấn nội dung của Luật Công chứng; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động công chứng; xây dựng báo cáo kết quả rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Công chứng theo Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Công chứng...Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển về lĩnh vực công chứng; Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng; rà soát, cập nhật, đăng tải các giao dịch phải công chứng, chứng thực trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam theo quy định tại Điều 41 của Luật Công chứng... Kế hoạch khẳng định cần ưu tiên tập trung nguồn lực và tổ chức thực hiện các nội dung trên bằng các hình thức phù hợp để bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm, nhanh chóng đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật