Tìm hiểu độ tuổi của công chứng viên và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên

27/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In Gửi email

Nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với với tỷ lệ tán thành cao. Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều (giảm 02 chương và 05 điều so với Luật Công chứng năm 2014). Luật Công chứng 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025 và thay thế Luật Công chứng số 63/2015/QH13 với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có việc quy định mới về độ tuổi, tiêu chuẩn bổ nhiệm của công chứng viên và quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên...

Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng
Theo thống kê của Cục Bổ trợ tư pháp, Việt Nam hiện có 3.220 công chức viên và 1.298 tổ chức hành nghề công chứng. Để nâng cao chất lượng đầu vào, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công chứng, bảo đảm hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng năm 2024 đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, thay vào đó tất cả các đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên đều phải tham gia đào tạo nghề công chứng, tuy nhiên có giảm 1/2 thời gian đào tạo nghề công chứng đối với một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể (khoản 2, 3 Điều 11); đồng thời quy định tất cả các đối tượng đều phải tập sự 12 tháng (khoản 1 Điều 12).
Luật cũng đã bổ sung quy định chỉ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên cho người không quá 70 tuổi và công chứng viên chỉ được hành nghề cho đến khi tròn 70 tuổi (Điều 10, 16, 17); bổ sung thêm các trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, các trường hợp bị miễn nhiệm công chứng viên và các trường hợp không được bổ nhiệm lại công chứng viên (Điều 14, 16, 17) nhằm bảo đảm những người thực sự xứng đáng mới được đứng trong đội ngũ công chứng viên; bổ sung một số quy định về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên nhằm làm rõ quyền và nâng cao trách nhiệm của công chứng viên: Bổ sung quyền chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký cá nhân, quyền khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định pháp luật để thực hiện việc công chứng; quy định nghĩa vụ duy trì tư cách hội viên Hội công chứng viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó…
Như vậy, việc giới hạn 70 tuổi đối với công chứng viên là phù hợp với thông lệ quốc tế giúp nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Việc quy định giới hạn tuổi này nhằm đảm bảo sức khỏe để đảm nhiệm công việc bởi công chứng viên không phải nghề kinh doanh tự do mà là dịch vụ công được nhà nước ủy nhiệm . Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Quy định này được lý giải nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên trên 70 tuổi thôi hành nghề.
Quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Luật Công chứng năm 2024 đã quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc; tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên cho Sở Tư pháp.
Quy định này cho thấy, ngày nay, hoạt động công chứng đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta. Chức năng chính của công chứng là hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Vì vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích của người làm công chứng là một vấn đề quan trọng. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trở thành một yếu tố bắt buộc. Không những thế, nghề công chứng là một lĩnh vực đặc biệt, với hoạt động công chứng đảm bảo tính hợp pháp, ngăn ngừa mâu thuẫn, và giảm thiểu rủi ro cho các giao dịch và hợp đồng. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức và quyền của Nhà nước. Tuy nhiên, nghề công chứng cũng đối mặt với nhiều rủi ro, và người làm công chứng thường phải đối mặt với nguy cơ bồi thường thiệt hại. Do đó, việc bảo vệ và chuyển giao rủi ro là cực kỳ quan trọng. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được thiết kế để bảo vệ doanh nghiệp và cá nhân khỏi trách nhiệm dân sự phát sinh do hành vi sơ suất có thể dẫn đến các kiện tụng hoặc bồi thường với chi phí đáng kể. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cung cấp các quyền lợi bảo hiểm cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp cho cá nhân và tổ chức. Mục tiêu là bảo vệ các chi phí pháp lý và bồi thường thiệt hại phát sinh từ các khiếu nại liên quan đến sự sơ suất của người được bảo hiểm...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải hoàn trả cho tổ chức hành nghề công chứng khoản tiền mà tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Liên quan tới vấn đề bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức hành nghề công chứng kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải hoàn trả cho tổ chức hành nghề công chứng khoản tiền mà tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng; trường hợp công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết./.
 
Đinh Thị Ánh Hồng
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Xem thêm »