Mục tiêu mà Đề án hướng tới là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt; có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tạo nguồn cán bộ kế cận cho nhiệm kỳ Đại hội tới của Hội Nông dân Việt Nam các cấp, đặc biệt là nguồn cán bộ trẻ có chất lượng cho Đảng và hệ thống chính trị, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Đề án ưu tiên bồi dưỡng cán bộ Hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gồm 3.434 xã theo Quyết định số
861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025). Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên tạo nguồn giảng viên tham gia giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội các cấp.
Đặc biệt, Đề án hướng tới việc nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình tri thức hoá nông dân; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân, tiên phong đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.
Đề án được thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chú trọng các tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong giai đoạn 2025-2030, với mục tiêu, hàng năm có 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng.
Theo đó, các nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên sẽ được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức. Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã sẽ được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp.
Để đạt được mục tiêu, Đề án yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác bồi dưỡng cán bộ Hội, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động cán bộ, công chức, viên chức các cấp Hội, chi hội trưởng nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tích cực tham gia các chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu công tác Hội Nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng, tâm huyết, có trình độ, phương pháp sư phạm, có kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng yêu cầu về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên. Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng, nhất là từ đội ngũ cán bộ Hội cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện nhằm chủ động trong tổ chức bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp. Đổi mới, cập nhật nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đảm bảo tính khoa học, liên thông và có tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Nội dung bồi dưỡng cần đảm bảo tính khoa học và logic, phân chia thời gian hợp lý giữa các khối kiến thức, lý luận và kỹ năng thực hành, tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm, gắn chặt với nhu cầu thực tiễn công tác của cán bộ Hội. Các chuyên đề bồi dưỡng được thiết kế “mở”, cho phép giảng viên, báo cáo viên cập nhật thường xuyên các nội dung và tư liệu mới từ các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Hội phù hợp với thời điểm bồi dưỡng. Ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng giáo trình, bài giảng, đáp ứng yêu cầu số hoá tài liệu bồi dưỡng. Từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hoạt động bồi dưỡng như phòng học, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, hệ thống âm thanh, máy chiếu. Ứng dụng chuyển đổi số và các phương pháp dạy học hiện đại trong quá trình xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức hoạt động bồi dưỡng. Thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức bồi dưỡng, giảng dạy thông qua kết quả học tập và phản hồi của học viên.
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, tính đến hết năm 2024, lực lượng lao động là nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước và chiếm 49,17% số hộ ở nông thôn với hơn 9,1 triệu hộ nông dân. Việc xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay là cấp thiết và cần thực hiện ngay. Việc triển khai Đề án tạo cơ hội cho người nông dân được tham gia các khóa học, chương trình bồi dưỡng kiến thức mới, phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, trang bị đầy đủ những kỹ năng để người dân có thể hòa nhập với nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến của khu vực và trên thế giới, nâng cao hiệu quả lao động và quản lý sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp./.