1. Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật: Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến thanh niên. Hai ngành đã thực hiện phối hợp rà soát, tổng hợp vướng mắc, bất cập trong thực thi các chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh, thiếu niên quy định trong Luật Thanh niên, Luật Trẻ em, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhằm phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm, sáng tạo của thanh niên. Để khuyến khích đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia góp ý, phản biện đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của địa phương, các tỉnh, thành đoàn đã triển khai nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị chuyên đề, phát phiếu khảo sát trực tiếp, khảo sát trực tuyến… Một số địa phương tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các đợt cao điểm hoặc các diễn đàn đối thoại chính sách, pháp luật.
2. Công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2019, fanpage “Tuổi trẻ với pháp luật” đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, vận hành. Fanpage là kênh thông tin chuyên đăng tải các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan tới đoàn viên, thanh niên. Đến nay, fanpage tiếp tục duy trì các bài viết, video clip tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin cho đoàn viên, thanh niên về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các tình huống pháp luật có liên quan đến thanh niên. Bộ Tư pháp đã biên soạn, xây dựng nhiều tài liệu PBGDPL để cấp phát, làm tài liệu nguồn phục vụ công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên; thực hiện các chuyên mục PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng năm, Sở Tư pháp phối hợp với các tỉnh, thành đoàn tổ chức hàng nghìn hội nghị, hội thảo, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật nhằm PBGDPL cho thanh niên với nội dung đa dạng, phong phú, tập trung vào các nội dung có liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên như phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, lao động, việc làm...tuyên truyền, tổ chức cho Đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông, sử dụng pháo nổ trong dịp Tết nguyên đán; vận động, khích lệ tinh thần thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ...
Tại các địa phương, nhiều đoàn viên thanh niên tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là các cuộc hòa giải có đối tượng là thanh niên, hoặc người chưa thành niên để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng này, đồng thời tích cực tham gia vào tổ hòa giải ở cơ sở. Việc tham gia của đoàn viên thanh niên trong công tác hoà giải cơ sở, nhất là các vụ việc, hòa giải “khó” như: tranh chất đất đai, giải phóng mặt bằng, thanh niên vi phạm pháp luật.... đã góp phần tuyên truyền cho người dân chủ trương, đường lối chính sách của địa phương, góp phần ổn định tình hình trật tự an ninh xã hội tại địa phương, đồng thời khẳng định vai trò của thanh niên trong công tác hòa giải ở cơ sở.
3. Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý: Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho thanh, thiếu niên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý lồng ghép trong Kế hoạch công tác hàng năm
. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho thanh, thiếu niên thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật được quan tâm thực hiện thông qua công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của địa phương, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong giai đoạn 2018-2022, 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý đã trợ giúp cho 162.628 người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có 18.201 người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (chiếm 11,19%), 801 người từ đủ 16 tuổi đến 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự (chiếm 0,49%), trợ giúp cho 15.859 lượt trẻ em (chiếm 9,8%). Thông tin về trợ giúp pháp lý được đăng tải công khai trên các website: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp
https://moj.gov.vn; Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam
https://tgpl.moj.gov.vn; Cổng/Trang thông tin của Sở Tư pháp; Số hotline; Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và các Trang thông tin điện tử thành phần tại chuyên mục chỉ dẫn người dân/Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước,… để người dân trong đó có thanh niên thuộc diện được trợ giúp pháp lý biết và tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật.
4. Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh thiếu nhi được thực hiện thường xuyên phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm, sáng tạo của thanh niên. Giai đoạn 2019-2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức 06 Hội nghị tập huấn về theo dõi thi hành pháp luật nhằm xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các Bộ, ngành và địa phương (trong đó có đoàn viên, thanh niên). Tại địa phương, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với thanh niên được Sở Tư pháp và Ban Thường vụ tỉnh, thành đoàn phối hợp triển khai, thực hiện nghiêm túc. Một số địa phương đã đổi mới phương thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để đưa hoạt động này đi vào thực chất tránh tính “hình thức”, như Cà Mau: ban hành "Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật giai đoạn 2018-2022", qua đó khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia phản ánh, kiến nghị về tình hình thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh niên.
5. Triển khai các phong trào, chương trình hành động với thanh niên và nội dung chiến lược phát triển thanh niên: Các phong trào hành động cách mạng của Đoàn: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc" và 03 chương trình đồng hành với thanh niên: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát huy kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” được Bộ Tư pháp triển khai đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp; tạo môi trường thực tiễn sinh động để thanh niên phát triển chuyên môn, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.
6. Phối hợp thực hiện công tác thông tin, truyền thông: Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động tư pháp và phong trào đoàn, công tác thanh niên được Bộ Tư pháp cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử Tuổi trẻ Bộ Tư pháp thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (
https://tuoitrebtp.moj.gov.vn/Pages/trang-chu.aspx), Trang thông tin đã truyền thông về hoạt động tư pháp và phong trào đoàn, công tác thanh niên của ngành Tư pháp, phổ biến những mô hình mới, cách làm sáng tạo, gương thanh niên tiêu biểu trong lĩnh vực tư pháp để tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến. Bộ Tư pháp đã xây dựng, phát sóng các chương trình PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên Báo Pháp luật Việt Nam (Chương trình giao lưu, đối thoại trực tuyến với chủ đề “Trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc nhóm đối tượng yếu thế”; Tọa đàm về chủ đề: “Xâm hại tình dục trẻ vị thành niên – Những vấn đề pháp lý đặt ra”); phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện 02 Chương trình đối thoại, giải đáp chính sách về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự và giải pháp, hình thức PBGDPL hiệu quả đối với các nhóm thanh, thiếu niên đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL.
Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cơ quan báo chí của Đoàn mở các chuyên trang, chuyên mục phù hợp với đặc thù đối tượng cấp phát miễn phí cho thanh thiếu nhi vùng sâu, vùng xa nhằm giới thiệu, phổ biến các
chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Hệ thống tờ tin thanh niên của các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đều dành thời lượng, tần suất thoả đáng để kịp thời tuyên truyền, PBGDPL; cổ vũ, khích lệ, nêu gương điển hình, mô hình, kinh nghiệm hay của tuổi trẻ trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Qua thời gian thực hiện Chương trình phối hợp cho thấy nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo ngành Tư pháp và Đoàn thanh niên các cấp trong hoạt động phối hợp PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, theo dõi thi hành pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý của các tổ chức Đoàn và ngành Tư pháp được nâng lên. Việc phối hợp công tác giữa hai ngành cũng đã góp phần tổ chức hiệu quả các chương trình hành động của Đoàn thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm, sáng tạo của thanh niên nói chung, thanh niên ngành Tư pháp nói riêng, trong tham gia cải cách hành chính nhà nước, xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được tại Chương trình phối hợp, trong thời gian tới, ngành Tư pháp và Trung ương Đoàn thanh niên cần chú trọng thực hiện các hoạt động phối hợp như: (i)Trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phối hợp để đổi mới nội dung, hình thức phối hợp và tổ chức thực hiện đảm bảo thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới; (ii) Tiếp tục có sự phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế về thanh niên; (iii) Quan tâm nhân rộng và có hình thức tuyên dương những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật, công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận thông tin, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, triển khai các phong trào và chương trình hành động thanh niên; (iv) Tiếp tục phối hợp trong công tác PBGDPL với các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đối tượng thanh, thiếu niên; định kỳ tổ chức tập huấn kỹ năng PBGDPL cho các cấp bộ đoàn ở cơ sở./.